Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Được mùa cả Công lẫn Thương'

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, điểm nhấn của năm 2018 chính là được mùa cả "Công lẫn Thương." Đây cũng là sự khác biệt lớn nhất so với mọi năm.
Năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm trong nước ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nhiều kết quả nổi bật và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng...

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, điểm nhấn của năm 2018 chính là được mùa cả "Công lẫn Thương" và cũng là sự khác biệt lớn nhất so với mọi năm.

[Dấu ấn 2018: Xuất siêu đạt kỷ lục, vượt qua con số 7 tỷ USD]

Lan tỏa từ công nghiệp đến nông nghiệp

Minh họa cho nội dung này, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, năm 2018 đã xuất hiện nhiều mũi đột phá về công nghiệp, ngoài khai thác dầu khí, việc luyện cốc cũng đã làm được, cùng với nhiều dấu ấn đột phá của các doanh nghiệp khác như Trường Hải 2 hay Vinfast...

"Một loạt các ngành là định hướng để cùng với công nghiệp điện tử là thế mạnh của chúng ta cho thấy cơ cấu kinh tế công nghiệp đã có bước tiến mạnh mẽ," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trong khi đó, tổng thể các mặt hàng công nghiệp khác nhất là công nghiệp nhẹ phục vụ đời sống như hàng Việt Nam đã được nâng lên cả về số lượng, chất lượng, trong khi giá cả cũng cạnh tranh hơn.

Nhờ kết quả trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, lĩnh vực thương mại đã có kết quả đột phá khi lần đầu tiên xuất khẩu cán mốc 245 tỷ USD và điểm nhấn này càng được nâng lên khi đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn.

Đáng chú ý, tất cả các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có một bước cải thiện tích cực. Ông cũng nhấn mạnh khi 30 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, cho thấy nền sản xuất của Việt Nam đã đa dạng và đi đúng hướng.

Hội nghị tổng kết ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng với thương mại quốc tế thì thương mại nội địa cũng tạo được những kết quả nổi bật. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm, năm 2018 ngành thương mại huy động tổng lực lượng các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành hàng, các chính quyền cùng chỉ đạo và người dân hưởng ứng, đây là nội nhu và là động lực của phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất của đất nước.

Trong bối cảnh đó thì lĩnh vực nông nghiệp cũng tạo ra được nhiều điểm nhấn, kết quả xuất khẩu rất cao, đem về 40,2 tỷ USD.

"Với 16 dự án được triển khai và khánh thành trong năm vừa qua cho thấy việc kết hợp công nghiệp trong nông nghiệp đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cho mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

- Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vượt 10 tỷ USD năm 2018:

Đặt mục tiêu xuất khẩu 265 tỷ USD

Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, điểm nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Một điểm nhấn quan trọng là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Ông Vượng cho biết, năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%.

"Với việc thúc đẩy xuất khẩu gắn với tái cấu túc sản xuất trong nước và kiểm soát tốt khâu nhập khẩu như nêu trên, cán cân thương mại năm 2018 đã duy trì xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục," Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Dù vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều bất cập. Đơn cử tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Chia sẻ thêm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, nhiều năm qua xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng là tận dụng nhiều lao động, cũng như xuất khẩu các sản phẩm khô là chính.

Chính vì vậy, để tạo ra sự chuyển biến tích cực, Bộ Công Thương đã kết nối và tổ chức nhiều chương trình nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, qua đó giúp hàng hóa xuất khẩu nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo có nguồn cung cấp ổn định và chất lượng đồng đều.

"Việc này cũng nhằm mục đích cơ cấu lại hàng xuất khẩu, từ việc xuất khẩu thô, nguyên liệu tiến tới xuất khẩu hàng có hàm lượng chế biến có giá trị cao cũng như những mặt hàng công nghiệp mang tính công nghiệp," ông Phú thông tin thêm.

Với những tiền đề của năm vừa qua, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8-10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7% và nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu./.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói về hoạt động xuất nhập khẩu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục