Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần đề phòng hoàn lưu bão số 9

Theo báo cáo Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, tính đến 17 giờ ngày 28/10, tại các địa phương đã có 34 nhà bị sập; 56.163 nhà bị tốc mái; 360 xã đã chủ động cắt điện chống bão.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần đề phòng hoàn lưu bão số 9 ảnh 1Bão số 9 với sức gió mạnh gây tốc mái nhà dân, giật tung nhiều biển quảng cáo trên đường phố Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Chiều 28/10, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 9 đã gây mưa to, gió lớn, thiệt hại nặng cho các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tuy bão đã suy yếu khi vào đất liền nhưng lực lượng chức năng và người dân vẫn cần cảnh giác, không được chủ quan, cần đề phòng hoàn lưu bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết vào 16 giờ ngày 28/10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên vẫn có gió cấp 10, giật cấp 11-12. Bão số 9 quét trên diện rộng gây mưa lớn và ảnh hưởng trong đêm 28/10, vì vậy, phải tập trung đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu nhà sơ tán tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho các khu vực neo đậu tàu.

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9, lũ trên các sông duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là sông Vệ (Quảng Ngãi) đã trên mức báo động 3 và những giờ tới vẫn tiếp tục lên cao, thậm chí có thể lên trên báo động 3 tới 1m. Vì vậy, cần tập trung công tác ứng phó, di dời người dân tại các vùng hạ du, vùng trũng để đảm bảo an toàn, thậm chí phải thực hiện ngay trong đêm 28/10.

[Bão số 9 đi vào đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định, gió giật cấp 12]

Khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, gió lớn nên phải nêu cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp đối phó “4 tại chỗ” để tránh thiệt hại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị khu vực Bắc Trung Bộ phải điều hành các hồ chứa một cách khoa học, chặt chẽ vì hoàn lưu bão còn gây mưa trong 1-2 ngày tới. Khu vực các hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và bị tổn thương sau các đợt mưa lũ, do đó, các địa phương không được chủ quan, phải tiếp tục ứng phó cho đến khi bão tan hẳn sau đó mới tập trung vào công cuộc tái thiết, phục hồi sản xuất, đời sống, môi trường.

Theo báo cáo Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, tính đến 17 giờ ngày 28/10, tại các địa phương đã có 34 nhà bị sập; 56.163 nhà bị tốc mái (Quảng Ngãi: 53.390, Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32).

Bên cạnh đó, 31 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi), có 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 3, Kon Tum: 4).

Hiện 360 xã chủ động cắt điện chống bão, trong đó tại Đà Nẵng có 11 xã; Quảng Nam có 56 xã; Quảng Ngãi có 145 xã; Bình Định có 97 xã; Phú Yên có 51 xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục