Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Không có khoảng trống quyền lực

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo giới về phương án thay thế nhân sự cho các lãnh đạo Bộ, ngành không trúng trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trả lời báo giới về phương án thay thế nhân sự cho các lãnh đạo Bộ, ngành không trúng trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2016, chiều 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết công tác nhân sự là công tác của Đảng.

Thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo khá bài bản, chặt chẽ công tác nhân sự các cấp, theo quy hoạch "mở" và "động," mỗi chức danh đều có 1, 2 hoặc 3 người kế thừa.

Một cán bộ có thể quy hoạch một vài chức danh để khi cần thiết Đảng điều động, quy hoạch như vậy nên công tác nhân sự rất hạn chế bị động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, hệ thống chính trị Việt Nam có nhiều đầu mối, số lượng Ủy viên Trung ương có hạn nên trong đề án công tác nhân sự của Đảng, không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương.

Các địa phương cố gắng để có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương, nếu nơi nào chưa bố trí được Trung ương sẽ xem xét, điều động, bố trí hợp lý, đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt.

Sau Đại hội có nhiều Bộ, ngành không bố trí Ủy viên Trung ương, điều đó là bình thường. Khi bố trí nhân sự cần phải cân nhắc kỹ yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo kể cả về quản lý cũng như am hiểu về chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Trước lo ngại về “khoảng trống quyền lực” ở các Bộ, ngành sau Đại hội XII, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết tại phiên họp Chính phủ sáng 29/1, Thủ tướng đã chúc mừng một số đồng chí thành viên Chính phủ tái cử, trong đó có một số đồng chí được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, dặn dò tiếp tục phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Thủ tướng cũng dặn dò 14 thành viên Chính phủ không tái cử khóa này cần tập trung với nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành công việc đang đảm trách cho đến giờ phút có người kế nhiệm để bàn giao.

Về quan điểm, trách nhiệm là không được lơ là, không để chỗ nào trống. Việc bàn giao cũng không phải đồng loạt, mà nơi nào chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu cần và đủ có thể bàn giao sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục