Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tập trung thanh tra để tạo chuyển biến

Để giảm sức ép về đất đai, môi trường, khoáng sản và nguồn nước, ngành tài nguyên môi trường cần phải có những giải pháp đột phá để hướng tới phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước là những vấn đề “nóng,” được xã hội quan tâm và cũng là “sức ép” đối với công tác quản lý. Những thách thức này đòi hỏi ngành tài nguyên và môi trường cần phải đưa ra các giải pháp đột phá, quyết liệt để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trước thềm Xuân Ất Mùi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã dành thời gian trả lời phỏng vấn VietnamPlus về những suy nghĩ, trăn trở của ông trước lời giải cho các vấn đề nóng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2015.

- Xin Bộ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường mà ông cảm thấy tâm đắc nhất trong năm qua? Đâu là tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong năm 2015, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong năm qua, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ đã tập trung tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đặc biệt, lần đầu tiên Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành đã đi vào cuộc sống; cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp. Công tác thanh kiểm tra các lĩnh vực quản lý cũng được đẩy mạnh, nhiều hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ trên các lưu vực sông; tham mưu cho Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề nóng của hợp tác sông Mekong; chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đình chỉ nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Mặc dù đạt được những kết quả, song công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp. Công tác quản lý, cấp phép khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…

- Hiện nay, ô nhiễm môi trường ngày càng gây bức xúc, thách thức quá trình phát triển bền vững. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về bức tranh môi trường hiện nay và việc giải quyết những thách thức Việt Nam đang đối mặt?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phải thừa nhận là công tác bảo vệ môi trường vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm, tại một số khu vực, môi trường vẫn tiếp tục bị ô nhiễm. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến tại nhiều địa phương...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều quy định về bảo vệ môi trường còn chồng chéo và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo vệ môi trường cũng chưa được quan tâm đúng mức trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, nhất là trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thủy điện…

Để giải quyết các vấn đề này, vừa qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 với nhiều nội dung mới quan trọng. Theo đó, lần đầu tiên luật đã cụ thể hóa quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”…

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

- Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đạt hiệu quả, công tác thanh-kiểm tra cần được triển khai quyết liệt, nhằm phát hiện những yếu kém, hạn chế cũng như xử lý kịp thời các sai phạm. Vậy trong năm 2015, công tác này sẽ được ngành triển khai thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Trong năm 2014 hoạt động thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, có trọng tâm. Các vụ việc khiếu kiện về đất đai phức tạp, kéo dài cũng đã được Bộ tích cực phối hợp với các địa phương để tập trung giải quyết dứt điểm.

Trong năm 2015, cùng với việc đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Song song với đó, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông; thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản; việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; các quy định của pháp luật về giao, sử dụng các khu vực biển…

Tôi cho rằng, nếu làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.


- Ngoài công tác thanh-kiểm tra, trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những bước đi cụ thể nào về việc xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu nhằm nâng cao công tác quản lý, phát triển ngành tài nguyên và môi trường, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Mục tiêu tổng quát của năm 2015 là đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân…

Do đó, trong năm nay, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý tài nguyên và môi trường. Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để trình Quốc hội cho ý kiến; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về các lĩnh vực của ngành.

Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và cá nhân. Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế, từ tháng 6/2015 kết nối chính thức hệ thống công nghệ thông tin của Bộ với Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Để triển khai hiệu quả, ngành tài nguyên và môi trường cũng sẽ tăng cường và chủ động hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; vận động các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng ngừa và xử lý ô nhiễm; nâng cao năng lực và thể chế quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường./.


- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục