Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế 2019, “bứt phá” để thành công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu “bứt phá” cho năm 2019 không chỉ có ý nghĩa với giai đoạn nước rút mà còn củng cố nền tảng để nền kinh tế đi nhanh hơn, bền vững hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế 2019, “bứt phá” để thành công ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

So với phương châm 10 chữ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" của năm 2018, năm 2019, Chính phủ bổ sung phương châm "bứt phá."

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu “bứt phá” cho năm 2019 sẽ không chỉ có ý nghĩa với giai đoạn nước rút của kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà còn củng cố nền tảng để nền kinh tế đi nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.

- Xin Bộ trưởng cho biết những cảm xúc của mình khi nền kinh tế đạt được những kết quả rất ấn tượng trong năm 2018, với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cảm xúc của tôi rất vui mừng, phấn khởi với những kết quả đạt được chung của đất nước. Cảm xúc riêng của cá nhân là chúng ta đều làm được và đạt được kết quả, nếu chọn con đường đúng và quyết liệt hành động; tổ chức thực hiện tốt và đồng bộ với tất cả các giải pháp.

Tôi tin rằng, phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Mặc dù, vẫn đang còn rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng nếu cùng đồng tâm hiệp lực, chung sức, chung lòng với cả một hệ thống chính trị, biến những khó khăn, thách thức trở thành sức mạnh của dân tộc thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều thần kỳ hơn của năm 2018.

- Với mức tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt cao nhất trong vòng 11 năm qua, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về con số này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một năm trước, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch năm 2018, Chính phủ đã nhấn mạnh bước đi của năm 2018 sẽ cần phải nhanh hơn, bứt tốc hơn, bởi vì Việt Nam đang không đi một mình. Hội nhập sâu rộng khiến nền kinh tế Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu.

Với tư duy ấy, năm 2018, Chính phủ đã tập trung, quyết liệt điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được rất ấn tượng và thuyết phục sau nhiều nỗ lực bền bỉ, nhất quán mục tiêu tăng trưởng nhanh đi đôi ổn định kinh tế vĩ mô.

Bức tranh kinh tế 2018 rất tích cực, với tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, mức tăng cao nhất trong 11 năm vừa qua. Quan trọng là tăng trưởng đạt được toàn diện ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,76% là mức kỷ lục của khu vực này trong nhiều năm qua; xuất siêu đạt mức chưa từng thấy 7,2 tỷ USD; giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng, đạt trên 19 tỷ USD...

Hiện chưa có con số chính thức cuối cùng nhưng các dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đang ở top dẫn đầu về mức tăng trưởng trên toàn thế giới hiện nay. Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam đã vượt qua được Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Tôi cũng cho rằng, điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế 2018 là sức chống chịu của nền kinh tế đã được nâng lên rất nhiều. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Thế nhưng một năm trôi qua với những biến động thế giới phức tạp, kinh tế Việt Nam không bị tác động nhiều, vẫn đảm bảo tăng trưởng và ổn định; bên cạnh đó, tính tự chủ của nền kinh tế cũng được nâng lên rõ rệt... Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung để củng cố nền tảng cũng như tạo được tiềm lực, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế để vị thế của Việt Nam tiếp tục nâng cao.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cho rằng, khó khăn vẫn đang còn nhiều. Trước hết là tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Dự báo năm 2019, tình hình chung kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng chậm lại; nhu cầu hàng hóa thương mại cũng tăng trưởng chậm; đặc biệt kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo tăng trưởng chậm hơn. Đó là những tác động lớn đối với Việt Nam. Không những thế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Đối với trong nước, những vấn đề yếu kém tích tụ từ lâu đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn là thách thức. Ví dụ như quy mô của nền kinh tế còn nhỏ; năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp. Những cải cách, cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn đang ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, là những vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh...

[Đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững]

Mặt khác, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu để huy động nguồn lực từ xã hội cho đầu tư phát triển. Đó là những thách thức chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

- Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,8%. Vậy, thưa Bộ trưởng đâu là động lực để đạt được mục tiêu này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao kết quả phát triển kinh tế năm 2018 của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam đang ở thời điểm rất ấn tượng sau kết quả tăng trưởng từ năm 2017. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác như tăng trưởng tín dụng chậm lại, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, giải ngân FDI tăng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt được không phải do tăng cung tiền, mà là tăng trưởng thực. Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, nhiều rào cản đã được tháo gỡ, hiệu quả đầu tư kinh doanh cao hơn giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp...

Sức khỏe nội tại, tiềm lực trong nước được củng cố là nền tảng vững chắc để nền kinh tế bứt phá trong năm 2019. Theo tôi, bứt phá trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, để tăng tốc trong giai đoạn nước rút, về đích kế hoạch 5 năm 2016-2020; đồng thời, bứt phá năm 2019 còn để tạo nền tảng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới, hướng tới mục tiêu thịnh vượng.

Tôi nhấn mạnh, mặc dù kết quả 2018 là rất tích cực, nhưng vẫn phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

- Thưa Bộ trưởng, đâu là những giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phương châm chỉ đạo của Chính phủ năm nay là "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá và Hiệu quả"; trong đó "Bứt phá” là từ rất quan trọng khi Việt Nam đang đi gần hết chặng đường 5 năm, chuẩn bị đánh giá tổng kết và xây dựng kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm tới. Đây là từ điểm mà Việt Nam cần tăng tốc để chuẩn bị về đích, hoàn thành cho được mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm. Từ đó, xây dựng nền tảng cho 5 năm tới.

Theo đó, các giải pháp điều hành đã có trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí nhằm thúc đẩy phát triển.

Tiếp đến là tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành động lực phát triển giai đoạn tới; đặc biệt cần có những chính sách để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực để có cuộc chơi minh bạch, công bằng.

Cùng đó, có chính sách hiệu quả để thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ. Đây là nhu cầu bức thiết của nền kinh tế, Chính phủ đã sớm xác định vấn đề này và bây giờ có hành động, quyết sách mạnh mẽ nhanh chóng, cụ thể, hiệu quả hơn để giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, phát triển lớn mạnh hơn.

Ngoài ra, phải chuẩn bị tốt cho hội nhập sâu rộng vì thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa, triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại. Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một yếu tố cần tận dụng ngay từ năm 2019 để mở rộng và phát triển thị trường. Theo đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực của nền kinh tế, năng lực doanh nghiệp để đón nhận và tận dụng được cơ hội này. Thay vì không chuẩn bị tốt thì Việt Nam sẽ thua thiệt ngay trong quá trình này.

Tôi cũng nhấn mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019; trong đó khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Việt Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường, liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước...

Đó là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Và chúng ta sẽ đạt được và phấn đấu có thể cao hơn mức tăng trưởng GDP 6,8% như Quốc hội đã giao. Từ kết quả của năm 2019 sẽ góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm và tạo nền tảng tăng trưởng trong thời gian tới. 

- Xin cám ơn Bộ trưởng!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục