Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đặc khu hành chính để tạo sân chơi mới

Việc thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là nhằm tạo sân chơi, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đặc khu hành chính để tạo sân chơi mới ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhằm tạo sân chơi mới, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh trên thế giới.

Vấn đề theo Bộ trưởng là “chúng ta đưa ra những cái nhà đầu tư cần và thể chế có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận có cái gì thì cho nhà đầu tư cái đấy.”

Bên lề kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

[Đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn được quy hoạch thế nào?]

- Thưa Bộ trưởng, những mục tiêu cụ thể mà Chính phủ đặt ra cho mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ như thế nào để có thể tương tác và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế quốc dân?


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Tại sao chúng ta lại xây dựng các khu hành chính kinh tế đặc biệt này? Trước hết, chúng ta mong muốn tạo ra sân chơi mới, một thể lệ mới nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.

Đây là cơ hội cho Việt Nam đón nhận, chủ trương đã có, bây giờ cần phải được luật hóa để nhanh chóng thành lập các đơn vị hành chính đặc biệt nhằm tạo ra những thể chế tốt nhất vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, thậm chí cạnh tranh được với các nước trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thất bại của các đặc khu hiện nay trên thế giới và tranh thủ những mô hình, xu hướng, cách làm tốt nhất sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp hay khu công nghệ cao.

Đây là thời cơ tốt nhất để chúng ta tổng kết, đánh giá và tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, đây sẽ là động lực lôi kéo và lan tỏa cho cả nước phát phát triển.

- Tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chính đáng và hợp lý tại thời điểm này. Cụ thể, Chính phủ có đặt ra những mục tiêu, thành tựu và kết quả mà mô hình này đem lại. Vậy ông có thể chia sẻ những mục tiêu và lộ trình cụ thể?


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Đây là việc chúng ta chủ động đưa ra và tạo dựng lên để thu hút, đón nhận và hấp thụ một cách hiệu quả nhất từ làn sóng đầu tư cả trong và ngoài nước. Khi đã chủ động thì phải biết mình muốn cái gì và nhà đầu tư cần cái gì.

Chúng ta nên đưa ra những cái nhà đầu tư cần và thể chế có thể cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận có cái gì thì cho nhà đầu tư cái đấy. Tức là phải hài hòa hai bên, hiểu nhà đầu tư muốn gì và mình có thể cho gì, chứ không nên nhìn nhận mình có cái gì để cho họ. Có những cái mình cho mà họ không muốn, không cần thì mô hình đó đều thất bại.

- Theo ông, mô hình đặc khu kinh tế này sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Những đơn vị hành chính đặc biệt này có vị trí chiến lược, có lợi thế so sánh đủ để phát triển được. Thể chế mới sẽ có những đóng góp lớn cho những ngành chúng ta đã lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế. Ví dụ, dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải, trí, thương mại...

- Đặc khu kinh tế được đánh giá là tích cực và hợp lý, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại mô hình quản lý riêng cần phải tính toán kỹ hơn. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất trên?


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Đây là một đơn vị hành chính đặc biệt nên tổ chức cũng phải đặc biệt, thể chế kinh tế cũng phải đặc biệt. Như tôi đã nói, chúng ta muốn gì và nhà đầu tư cần gì, nếu không tiếp cận theo hướng đấy thì rất khó có thể thu hút thành công.

- Như vậy, chúng ta sẽ có cơ chế kiểm soát, giám sát đặc biệt nào cho mô hình này, thưa ông?


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Hiện nay chúng ta muốn dành một quyền tự chủ cho đơn vị hành chính theo 2 hướng, thứ nhất là không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Điều này không trái hiến pháp và cũng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao giành quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thẩm quyền trong điều hành của các Trưởng đơn vị hành chính đặc biệt này. Tuy nhiên, khi phân cấp phân quyền nhiều cho Trưởng đặc khu thì phải có cơ chế giám sát đi kèm, như Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các bộ ngành Trung ương theo ngành dọc và chiều ngang.

Thứ hai, tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục