Bộ trưởng MPI: Sẽ sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, ngày 26/9.
Bộ trưởng MPI: Sẽ sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các ngành, địa phương cần khẩn trương hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới cũng như kế hoạch mở cửa để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Đây cũng chính là nội dung được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 được tổ chức trực tuyến diễn ra vào ngày 26/9.

Cần có hướng dẫn tổ chức sản xuất trong điều kiện mới

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ trong thời gian qua đã góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Song cộng đồng doanh nghiệp cũng phản ánh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ," bộ trưởng nhấn  mạnh.

[Doanh nghiệp Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp]

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cùng với các địa phương,  Bộ Y tế cũng cần khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch; trong đó cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.

Về phía bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tục đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư của các bộ, ngành và địa phương.

Sẽ ban hành Chương trình phục hồi kinh tế

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cam kết sẽ khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phải khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Mặt khác, các địa phương chủ động cùng với doanh nghiệp nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Cùng với việc phục hồi kinh tế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.

Bộ trưởng MPI: Sẽ sớm ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững ảnh 2Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, ngày 26/9. (Ảnh: TTXVN)

Để làm được những điều này, các địa phương tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền để từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đồng thời đánh giá được thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc công ty trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh.

Nhằm thích ứng với giai đoạn bình thường mới nhanh nhất và hiệu quả, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng đến đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh, từ đó tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước cũng như mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Với vai trò là tổ chức kết nối cộng đồng doanh nghiệp với nhà quản lý, Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương, đóng góp sáng kiến cho chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay (như chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục