Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả tăng trưởng GDP trong 9 tháng đã có bước đột phá, từ mức tăng 5,15% trong quý 1, sang quý 2 mức tăng là 6,17% và quý 3 lên tới 7,46%. Như vậy, 9 tháng, ước tăng trưởng GDP là 6,41%.
[ADB: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn vào cuối năm]
Nói về điểm nhấn này, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016 và đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017.
Đáng chú ý, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Bên cạnh đó, sản lượng thủy sản 9 tháng cũng đạt mức tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ, chưa kể sự đóng góp tích cực của khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 7,17%.
Trong khi đó, mặc dù sản lượng dầu thô giảm nhưng theo Người phát ngôn Chính phủ, các nhóm mặt hàng khác như máy tính, điện thoại tăng mạnh đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hơn nữa, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 ở mức 6,7% là tiền đề giúp cân bằng cán cân thương mại.
"Với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngoài việc rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời thực hiện chuyển mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
"Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói./.