Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Kiểm soát chặt lạm phát, không để vượt quá 4%

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, yêu cầu của Chính phủ là kiên định mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4% là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm nay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Kiểm soát chặt lạm phát, không để vượt quá 4% ảnh 1Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ ngày 1/8. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chính phủ nhận định tình hình kinh tế xã hội 7 tháng có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, theo đó kết quả tháng 7 tốt hơn tháng trước và lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 1/8, tại Hà Nội.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao

Thông tin thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy giảm 0,09% là tín hiệu tích cực bởi trước đó CPI đã tăng 3 tháng liên tiếp, cụ thể tháng Tư, CPI tăng 0,08%, tháng Năm tăng 0,55% và tháng Sáu tăng 0,61%.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân của 7 tháng năm 2018 chỉ là 3,45%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm đáng mừng là khu vực nông nghiệp và công nghiệp đều có mức tăng trưởng khá. Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao nhất từ tháng 2/2018 đến nay khi tháng Bảy ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng chỉ số này tăng 10,9% so với cùng kỳ.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng]

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng đạt được kết quả tích cực, sau 7 tháng đem về 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa xuất siêu của cả nước lên mức 3,1 tỷ USD.

Bộ trưởng cho biết, phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng 2018 của Việt Nam là 7,1%, còn Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4% (trong mức quốc hội đề ra).

Bên cạnh đó, Ban Thư ký Liên hợp quốc mới đây đã công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia)...

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định nhiều điểm nhấn về tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm, nổi bật chính là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hai tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước.

"Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ," báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Dù đạt được nhiều kết quả như trên, song theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức.

Đơn cử, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng về thiệt hại do thiên tai trong 7 tháng năm nay đã lên đến con số khoảng 1.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp, tuy nhiên, sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.

Bộ trưởng cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai.

Do vậy, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước và biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn... để có đối sách phù hợp.

Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ là kiên định mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4% là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm nay.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích khởi nghiệp và cơ cấu lại nợ công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục