Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cần tăng cường công tác quản lý luật sư

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về luật sư hiện nay ở một số địa phương còn buông lỏng và đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm hơn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cần tăng cường công tác quản lý luật sư ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 26/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ Tư pháp về việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.

Quan tâm đào tạo cán bộ kế cận

Vấn đề đầu tiên được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến là Bộ Tư pháp cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ kế cận. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cán bộ tư pháp không chỉ giỏi luật trong nước mà phải giỏi cả luật quốc tế. Cùng với đó, Bộ quan tâm củng cố hệ thống tư pháp địa phương, nguồn lực, chất lượng đội ngũ làm công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, với yêu cầu hội nhập, mở cửa hiện nay, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chúng ta cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, thể chế, các vụ kiện, tranh chấp quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải có lực lượng cán bộ giỏi, có phản ứng kịp thời, có kiến thức, trình độ, năng lực để xử lý những vụ tranh chấp liên quan đến trọng tài quốc tế.

Xoay quanh vấn đề hộ tịch, lý lịch tư pháp, Bộ trưởng cho rằng vừa qua vẫn xảy ra một số vụ việc ngoài ý muốn. Với chức năng của cơ quan bộ chuyên ngành, Bộ Tư pháp cần có giải pháp kiểm soát kỹ hơn.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong công tác thi hành án dân sự, số vụ việc tồn đọng ngày càng lớn, số vụ việc không có điều kiện thi hành rất nhiều, Bộ trưởng Tư pháp cần nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý. Nếu cần thiết, báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến là Bộ Tư pháp phối hợp tốt với các cấp, các ngành xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu trong nước, giúp Chính phủ, Thủ tướng kiểm soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và các địa phương.

“Nghị định chuyên ngành giao cho bộ chuyên ngành nhưng Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan kiểm soát, giúp cho Chính phủ, Thủ tướng, đề nghị cũng nhìn nhận bao quát rộng hơn, nhất là vấn đề tính khả thi, những bất cập hay vấn đề thẩm quyền ban hành, tránh việc đã rồi, ban hành rồi lại thu lại,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật, công tác quản lý nhà nước về luật sư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về luật sư hiện nay ở một số địa phương còn buông lỏng, cần có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư để giám sát luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chặt chẽ hơn, phát hiện những sai sót trong quá trình hoạt động của luật sư.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Tư pháp hiện có 98 điều kiện kinh doanh, đang được quy định ở 6 luật và 4 nghị định. Dự kiến tới đây, Bộ sẽ cắt 43/98 điều kiện, chiếm 44%. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát điều kiện kinh doanh, kiên quyết cắt giảm, loại bỏ những quy định chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết.

“Chúng ta dùng từ tiêu chí không định lượng được, có sức khỏe tốt, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực khách quan, đảm bảo hành nghề luật sư khi có thể trở thành luật sư... Chúng ta cứ đưa ra chung chung thế này đối tượng rất khó thực hiện,” Bộ trưởng dẫn chứng.

Ông cũng cho rằng điều kiện kinh doanh không cụ thể, không thể lượng hóa được đã vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực. Chẳng hạn như quy định có thời gian tập sự hành nghề luật sư nhưng không quy định thời gian tối thiểu là bao nhiêu hay quy định có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế… là rất chung chung.

“Một số quy định, tôi cho rằng hơi cứng,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Ví dụ cụ thể được ông đưa ra là việc ký quỹ để thành lập văn phòng thừa phát lại phải thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. “Tại sao lại cứ phải đưa về Thành phố Hồ Chí Minh? Người ta ký quỹ, tiện đâu làm đó, áp đặt như vậy phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân,” Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ, cương quyết cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng không có nghĩa là mở toang cửa mà vẫn phải đảm bảo được an ninh quốc phòng, bảo vệ đất nước, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cho sản xuất trong nước, song, không vì việc đó mà tạo ra rào cản.

Chỉ đạo của Thủ tướng, đây là dư địa cho tăng trưởng, tháo gỡ được bao nhiêu là chúng ta tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bấy nhiêu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Đội ngũ luật sư đã lớn mạnh

Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến nay, Bộ đã hoàn thành quy hoạch lãnh đạo Bộ, đã bổ sung nhân sự giai đoạn 2016-2021 và quy hoạch nhân sự cho giai đoạn 2021-2026 đang được duyệt. “Quy trình làm kỹ, tinh thần đúng người, có phẩm chất đạo đức, có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với Đảng. Đấy là những tiêu chí cứng. Đồng thời, chúng tôi rất chú trọng chọn những người đúng chuyên môn, được đào tạo cơ bản và có ngoại ngữ,” Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

[Bộ Tư pháp sẽ kiên quyết kiểm tra, xử lý các văn bản trái pháp luật]

Theo Bộ trưởng Tư pháp, đội ngũ chuyên gia giỏi là một ưu tiên của Bộ trong suốt thời gian qua. “Chúng tôi xác định nghề tư pháp, đặc biệt là xây dựng pháp luật là nghề đóng góp khá âm thầm, kết quả công bố công khai khó lượng hóa nhưng rõ ràng đòi hỏi tầm trí tuệ cao,” ông chia sẻ. Bộ trưởng này cho rằng, đặc thù của ngành, không có tâm huyết, lòng yêu nghề rất khó làm.

Trước ý kiến của Tổ công tác liên quan đến công tác quản lý luật sư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, toàn quốc hiện có trên 12.000 luật sư. Qua các phiên tòa xét xử trong nước, cách tiếp cận của luật sư đối với từng vụ việc cho thấy đội ngũ luật sư đã lớn mạnh, trưởng thành. Có luật sư sử dụng thành thạo 2, 3 ngoại ngữ, có thể "ngang ngửa" khi làm việc hay đấu trí trong các vụ kiện quốc tế. Song, ông cũng thừa nhận một thực tế “một số luật sư, dù số ít, có sự tụ tập, lôi kéo bằng cách này hay cách khác, đi ngược lại chủ trương của Đảng, nhà nước, làm phức tạp hóa tình hình.”

Thời gian qua, một số luật sư đã lợi dụng câu chữ trong các quy định của luật để kiện tụng hay khiếu nại quyết định thu hồi thẻ luật sư, có người vi phạm pháp luật, bỏ qua các quy tắc đạo đức - một điều rất thiêng liêng của nghề luật sư. Đối với những trường hợp này, Bộ Tư pháp thực hiện chủ trương chấn chỉnh nghiêm, không để ảnh hưởng đến hoạt động của giới luật sư. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng cần xem xét sửa đổi một số quy định hiện hành có liên quan đến luật sư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục