Chiều 27/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2020 với sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái cho biết năm 2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tổ chức thi hành án nhưng do số thụ lý về việc và tiền giảm so với năm 2019, các cơ quan thi hành án dân sự đã tập trung, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 576.933 việc, đạt 81,41% (tăng 2,82% so với năm 2019) với số tiền trên 53.750 tỷ đồng, tăng hơn 1.035 tỷ đồng (tăng 1,96% so với năm 2019).
Các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung thi hành xong 363/830 việc (đạt 43,73%, tăng 65 việc so với năm 2019).
Kết quả thi hành án ngày càng thực chất, bền vững. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước. Khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết, đạt kết quả cao. Thể chế ngày càng hoàn thiện, tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự từng bước được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
[Tạo nền móng pháp luật, thúc đẩy đổi mới thể chế, đưa đất nước bứt phá]
Thảo luận tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2020.
Kết quả thi hành án đối với các khoản thu cho tổ chức tín dụng, các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hiệu quả chưa cao. Hoạt động tổ chức thi hành án tại một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thật sự hiệu quả, còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót. Mặc dù số việc thi hành án hành chính thi hành xong đã tăng hơn nhiều so với năm 2019, song vẫn thấp so với yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng công tác thi hành án dân sự trong năm 2021 sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Toàn ngành thi hành án dân sự cần tiếp tục thực hiện nghiêm các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; tập trung nâng cao chất lượng, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan thi hành án dân sự kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được Ban Bí thư ban hành, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra; phát hiện, khắc phục kịp thời những vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự nói chung và trong hoạt động thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị toàn ngành đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức thi hành án dân sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương nhất quán của Đảng; tăng cường hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm ứng dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ công tác thi hành án dân sự.
Các cơ quan tiếp tục chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Bộ phát huy hơn nữa vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính; chủ động tham mưu, đề xuất phương án xử lý đối với những vụ việc thi hành án hành chính, đặc biệt là những vụ việc được dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, những vụ việc phức tạp, kéo dài.
Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý các cơ quan thi hành án dân sự chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để kịp thời thông tin, phản ánh, chia sẻ những khó khăn, thách thức của công tác này; tạo sự đồng thuận trong tổ chức thi hành án, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài./.