Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra thực tế khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Dương

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục làm tốt việc thống kê các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, quan tâm hướng dẫn nông dân trong quá trình khôi phục sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đê điều, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại huyện Thanh Hà. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đê điều, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại huyện Thanh Hà. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 23/9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 và mưa lũ ảnh hưởng do bão gây ra tại Hải Dương.

Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tuyến đê tả sông Thái Bình đoạn qua xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà và sông Sặt thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua thành phố Hải Dương.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, hệ thống Bắc Hưng Hải trong đợt mưa lũ vừa qua xảy ra nhiều sự cố; trong đó, phần lớn là các sự cố trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Công ty đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường trực 24/24, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu theo tinh thần 4 tại chỗ. Tuy nhiên, thực tế ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua cho thấy hiện nay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã xuống cấp, bộc lộ nhiều bất cập và cần sớm đầu tư tu bổ, nâng cấp.

Đoàn công tác cũng đã đến thăm vùng sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc và chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại do mưa bão gây ra cũng như động viên người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Ông Hoàng Anh Thư, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức cho biết, cơn bão đã làm cho khung nhà màng nhà lưới của các thành viên trong hợp tác xã bị đổ, hư hỏng nặng.

Thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ, toàn bộ diện tích dưa lưới trồng ở đây đang sắp đến kỳ thu hoạch đều bị hỏng. Canh tác dưa trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi năm canh tác thuận lợi cho thu hoạch trên 2 tỷ đồng/ha.

Mặc dù vậy, người dân đã cố gắng vượt qua khó khăn, mau chóng khắc phục lại những hư hại để bắt tay vào mùa vụ mới. Hiện nay, trong số 45 ha bị thiệt hại do bão, khoảng 5ha đã bắt đầu có thể sản xuất trở lại.

ttxvn_bo_truong_bo_nong_nghiep_va_phat_trien_nong_thon_khac_phuc_hau_qua_bao_so_3_tai_hai_duong_2309-2.jpg
Đoàn công tác kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đê điều, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại huyện Gia Lộc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức cũng cho biết, một trong những khó khăn hiện nay của các thành viên hợp tác xã là nguồn vốn, nhất là khi điều kiện sản xuất nhà màng, nhà lưới chưa thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong công tác chủ động ứng phó, phòng chống bão lũ, nhờ vậy đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bộ trưởng cũng biểu dương tinh thần và quyết tâm của người nông dân Hải Dương vượt qua khó khăn, mau chóng khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt việc thống kê các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, quan tâm hướng dẫn nông dân trong quá trình khôi phục sản xuất.

Với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu và xem xét để có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó, có việc sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 để những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho các vùng bị thiên tai, dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh hơn 6.500 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thiệt hại khoảng 3.558 tỷ đồng; trong đó, trồng trọt khoảng 1.222 tỷ đồng, thủy sản khoảng 1.125 tỷ đồng, lâm nghiệp khoảng 80 tỷ đồng, chăn nuôi 131 tỷ đồng.

Về công trình thủy lợi, ước thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Trên hệ thống Bắc Hưng Hải xuất hiện 228 sự cố rò rỉ, tràn bờ, sạt mái kênh. Đối với hệ thống công trình thủy lợi do tỉnh quản lý, trên 60 công trình bị hư hỏng, 10 tuyến kênh bị đổ, 23 sự cố máy móc, thiết bị trạm bơm và một số sự cố khác.

Tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017, nhất là nội dung mức hỗ trợ, chế độ, trình tự, hồ sơ thủ tục để các địa phương căn cứ thực hiện và một số văn bản liên quan đến hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai và quy định về quản lý sử dụng vật tư dự trữ phòng chống lụt bão...

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm đề nghị các bộ, ngành trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sửa chữa một số công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở y tế, giáo dục và một số công trình cần thiết khác bị hư hại sau bão lũ. Tổng số kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục