Bộ trưởng Lào nhận định về chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Lào, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giúp thắt chặt, tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Bộ trưởng Lào nhận định về chuyến thăm của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 24-25/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Suphan Keomixay đã dành cho phóng viên TTXVN tại Vientiane cuộc phỏng vấn về mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Lào hiện nay, tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ hợp tác song phương, cũng như những nỗ lực để hai nước có thể thúc đẩy, tăng cường hơn nữa hợp tác.

Về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào hiện nay, Bộ trưởng Suphan Keomixay khẳng định nhân dân hai nước Lào-Việt Nam có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị từ lâu đời. Trước tình hình hiện nay, hai nước càng cần phải tiếp tục tăng cường, gìn giữ và thắt chặt mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, trong sáng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá và mang lại lợi ích cao nhất về cho nhân dân hai nước.

Trong năm qua, hợp tác về chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh giữa hai nước Lào-Việt Nam được tổ chức thực hiện tốt và có sự chặt chẽ, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.

Liên quan lĩnh vực năng lượng điện, hai bên tiếp tục triển khai biên bản mua-bán điện giữa hai nước đã ký năm 2016. Hợp tác về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai chính phủ. Hợp tác giữa các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục được thúc đẩy theo đúng kế hoạch, có hiệu quả và phù hợp với thực tế, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm và ký kết biên bản hợp tác.

[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Lào, Campuchia]

Đối với chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phía Lào coi đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Suphan Keomixay bày tỏ tin tưởng kết quả chuyến thăm Lào lần này sẽ góp phần tiếp tục thắt chặt, tăng cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, làm nền tảng giúp khai thác hiệu quả thế mạnh tiềm ẩn của hai nước trong hợp tác-đầu tư phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới. Trong chuyến thăm này, hai nước sẽ ký kết nhiều văn bản có ý nghĩa quan trọng về hợp tác song phương.

Theo ông Suphan Keomixay, trong những năm tới, hai bên cần phải tập trung tiếp tục tổ chức triển khai hiện thực hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, nhất là thực hiện thỏa thuận về chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật giữa Lào và Việt Nam giai đoạn 2011-2020; thỏa thuận về chiến lược hợp tác Lào-Việt Nam đến năm 2020 ở hai tỉnh Huaphan và Xiengkhoang.

Hai nước cũng cần tích cực tổ chức thực hiện hiệp định hợp tác song phương giai đoạn 2016-2020 và thỏa thuận về kế hoạch hợp tác song phương giữa hai Chính phủ Lào và Việt Nam năm 2019 một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Lào và Việt Nam cần tạo bước đột phá mới để mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng cho nhiều hoa thơm trái ngọt, phát triển cảng Vũng Áng 1, 2, 3 trở thành cảng hợp tác đặc biệt Lào-Việt Nam, giúp Lào vận chuyển hàng hóa xuất-nhập khẩu qua đường biển. Ngoài ra, việc Việt Nam mua điện của Lào sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân hai nước Lào-Việt Nam trong tương lai.

Đối với doanh nghiệp hai nước, ông lưu ý rằng hai bên cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước; hiểu rõ đường hướng, chính sách và luật pháp của Lào cũng như của Việt Nam; không nên chỉ nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp, mà phải gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của hai nước cũng như lợi ích của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, đặc biệt là người dân ở khu vực có dự án đầu tư; tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa của mỗi nước.

Ông nhận định thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Lào nhìn chung đều đã quán triệt và thực hiện tốt theo tinh thần chỉ đạo trên. Ngoài việc chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Lào trong đầu tư, kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam còn đóng góp rất nhiều cho công tác xã hội ở Lào trong các lĩnh vực được Chính phủ Lào ưu tiên, như giáo dục, nông nghiệp, y tế, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do thiên tai, các hoạt động văn hóa-thể thao và nhiều lĩnh vực khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục