Bộ trưởng KH-ĐT: 'Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng người đứng đầu đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng KH-ĐT: 'Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để đảm bảo giải ngân hết số vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020 và những năm trước chuyển sang, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Cần thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.”

Giải ngân 68,3% kế hoạch

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn từ đầu công ty, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành nhiều giải pháp về các nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch vụ COVID-19.

Trong năm, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập đoàn công tác kiểm tra đồng thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng Chín đã có 52 bộ, cơ quan trung ương và 63 địa phương có phương án phân bổ vốn cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 464.269 tỷ đồng, đạt 97,1 % kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tình hình giải ngân, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10 là 321.529 tỷ đồng và đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho biết nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao đôn đốc triển khai công tác đầu tư công của Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến, nên từ cuối tháng Bảy tiến độ giải ngân đã có sự chuyển biến tích cực. Đến ngày 31/10, cả nước có 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 18 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Vướng “cố hữu” vẫn là giải phóng mặt bằng

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế về khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn, cụ thể nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công.

“Đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, các chủ đầu tư vẫn còn chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mặc dù nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa bão thất thường tại các địa phương miền Trung cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi. Tuy nhiên, ông Dũng thẳng thắn cho rằng công tác chuẩn bị dự án sử dụng vốn vay nước ngoài-ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không kỹ. Không những vậy, việc tổ chức thực hiện còn phát sinh vướng mắc dẫn đến phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án... Điều này cũng gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Một điểm bất lợi lớn cho các dự án ODA trong năm nay không thể không nhắc đến, đó là những chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến các khâu nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối trong các hoạt động gặp khó khăn và điều này khiến cho việc giải ngân bị ngưng trệ. Chưa kể, một số dự án vốn nước ngoài giải ngân chậm do vướng mắc cơ chế quản lý, giám sát của nhà tài trợ.

Vấn đề này đã được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra: “Nhà tài trợ can thiệp quá sâu vào quy trình triển khai của Việt Nam, dẫn đến việc triển khai phải thực hiện đủ cả hai quy trình của Việt Nam và của Nhà tài trợ, kể cả trong việc kiểm soát chi và giải ngân.”

Trước những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để đảm bảo kế hoạch giải ngân về đích trong năm nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư do mình quản lý.

Cụ thể, các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh: “Việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng tăng trưởng kinh tế. Do đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục