Bộ trưởng KH-ĐT: Đổi mới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Để đạt kết quả bứt phá trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát triển mạnh khu vực tư nhân; nâng khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi làm việc của Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng, đặt văn phòng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi làm việc của Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng, đặt văn phòng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào sáng 19/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách và giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung một số bứt phá trọng tâm.

Đó là bứt phá về lực lượng sản xuất, đặc biệt là phát triển mạnh khu vực tư nhân; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.

Bên cạnh đó, gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, thực hiện 3 đột phá chiến lược là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công. Từ đó, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công-tư.

Cùng đó, nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo.

[Thủ tướng: Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh]

Điều này góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.

“Đặc biệt, Bộ sẽ cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Cùng đó, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng định hướng tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ lớn, như: thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chủ trì, phối hợp hiệu quả, kịp thời với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển của quốc gia, vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.

“Đây là một vấn đề lớn, quan trọng và khó trong bối cảnh thời gian không còn nhiều và có rất ít kinh nghiệm thực tế trong xây dựng quy hoạch tích hợp. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế; trong đó, tập trung tổng kết, đánh giá, dự thảo và trình cấp có thẩm quyền dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với hướng là tiếp tục đổi mới, cải cách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phân cấp mạnh mẽ, khơi thông và huy động hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn tập trung nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 9) về kinh tế tập thể; tham mưu các giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển; tận dụng cơ hội trong bối cảnh thế giới đang thay đổi để thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI.

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước gắn với thị trường và thông lệ quốc tế; phát triển nguồn nhân lực gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng KH-ĐT: Đổi mới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngoài ra, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Lãnh đạo ngành kế hoạch cũng đánh giá, thành quả của 30 năm đổi mới đã làm thay đổi căn bản diện mạo của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Nếu so sánh năm 2018 với năm 1989, quy mô GDP Việt Nam đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần.

Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tuy bước đầu được giải quyết nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục.

Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh đã có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Chặng đường đổi mới, sáng tạo và phát triển vẫn còn dài ở phía trước, những khó khăn, thách thức còn nhiều và ngày càng gay gắt, những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục triệt để. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục