Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.
Vị tư lệnh ngành Tài chính khẳng định các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
[Bộ Tài chính trình nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp]
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, khó khăn trên diện rộng đã tác động tới nền kinh tế, đời sống của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các giải pháp để đảm bảo điều hành chính sách tài khóa một cách hiệu quả, hợp lý. Theo đó, đơn vị này đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm đơn vị này đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Giải pháp này thực hiện dự kiến với số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3.500 tỷ đồng.
Với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7đến hết 31/12 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đây là những giải pháp rất hợp lý, nguồn lực đáng kể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mặc dù trong quý 1, thu ngân sách Nhà nước rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 17%. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước tới hết quý này chỉ tăng 2,21%, thu nội địa nếu trừ các khoản đột xuất thì chỉ còn xấp xỉ 85% so cùng kỳ.”
“Những giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên là những chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là động lực của phát triển kinh tế, nên nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh,” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.