Bộ trưởng GTVT: Rà soát, kiểm tra giá vé máy bay nội địa tăng cao

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao trong dịp cao điểm Hè. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao trong dịp cao điểm Hè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có văn bản gửi Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

“Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bộ Giao thông Vận tải giao Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xẩy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm Hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo bộ kết quả thực hiện trước ngày 10/5 tới.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 1/4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm Hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn. Ngành Hàng không đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay trong thời gian gần đây.

“Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025. Theo tính toán, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế,” ông Thắng nói.

Để xử lý tình trạng thiếu hụt máy bay và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.

Các hãng bay thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển; tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không./.

Theo báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17%-25% so với năm 2019. Cụ thể, châu Á tăng 21%; Australia, New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục