Với việc kiểm tra thực địa dọc tuyến các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định đây là các dự án giao thông quan trọng nên các chủ thể liên quan phải xem đây là trách nhiệm và nỗ lực để đưa dự án về đích, đảm bảo chất lượng công trình, sớm nối thông hệ thống cao tốc.
Cao tốc hoàn thành sớm sẽ tạo xung lực mới cho địa phương
Trực tiếp kiểm tra thực địa các công trình Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang (ngày 4/3) và dự án Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau (ngày 6/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận nỗ lực triển khai dự án, đẩy tiến độ của các chủ đầu tư, nhà thầu đồng thời nhắc lại quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành.”
Từ đó, ông yêu cầu từng cá nhân, đơn vị tham gia các dự án hạ tầng giao thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để nỗ lực đưa các cao tốc cán đích sớm trong năm 2025 với quyết tâm chính trị cao nhất, sớm nối thông hệ thống cao tốc.
“Hiện nay mặt bằng trên tuyến cơ bản đã được giải quyết, nguồn vật liệu đầu vào đảm bảo, các địa phương ủng hộ, nhân dân đồng tình, vì vậy các đơn vị thi công phải tăng tốc, thi công nước rút, 3 ca, 4 kíp để lấy lại tiến độ cho giai đoạn đầu khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu…," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Lắng nghe từng nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát báo cáo, ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, các cao tốc qua Bình Đinh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa đến nay có chuyển biến rõ nét trên công trường khi huy động số lượng rất lớn nhân công, máy móc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong-Nha Trang
Theo Ban quản lý Dự án 7, việc giải phóng mặt bằng cho dự án Đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang đã đạt được tiến triển đáng kể, chỉ còn 5 vị trí chưa có sự chấp thuận về phương án đền bù.
Với những gì chứng kiến, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải đặt niềm tin các công trình sẽ vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra, sớm có đường cho bà con đi, kịp chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và toàn quốc.
“Công trình hoàn thành sớm ngày nào sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó, thu hút đầu tư, tạo xung lực mới cho các địa phương nơi dự án đi qua và cả nước nói chung," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự án thành phần Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với các địa phương có trữ lượng cát sông, hỗ trợ cung cấp 3 triệu m3 còn lại, bao gồm cấp trực tiếp và mua thương mại theo giá Nhà nước quy định. Cùng đó, ban tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh hoàn thành nhanh các thủ tục cấp mỏ cát biển trong tháng 3 để tháng 4/2024 bắt đầu khai thác.
“Các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát quyết liệt, thực hiện đảm bảo thi công nhanh nhất, phấn đấu hoàn thành dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau sớm nhất có thể, chậm nhất là 31/12/2025 phải hoàn thành để đảm bảo toàn tuyến Cao tốc Bắc-Nam được đưa vào khai thác, phục vụ người dân. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận với thẩm quyền, trách nhiệm chủ đầu tư dự án chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định hợp đồng và quy định pháp luật," Bộ trưởng chỉ đạo.
Không để cao tốc làm xong mà thiếu trạm dừng nghỉ
Ở mỗi điểm kiểm tra, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải yêu cầu từng đơn vị chức năng, nhà thầu, tư vấn giám sát báo cáo rõ giải pháp kiểm soát chất lượng.
Khẳng định bất cứ nhà thầu nào thi công không đảm bảo chất lượng sẽ phải làm lại ngay, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị đưa vào công trình; biện pháp thi công, chất lượng thi công và công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
“Trong mọi trường hợp phải coi chất lượng công trình là ưu tiên số 1, tuyệt đối không đánh đổi chất lượng công trình vì bất cứ lý do gì. Chất lượng cao tốc giai đoạn 2, triển khai từ 2023 chắc chắn tốt hơn giai đoạn 1 bởi điều kiện thi công tốt hơn, kinh nghiệm hơn, nhà thầu có tiềm lực tài chính, năng lực thi công, trang thiết bị hiện đại…,” ông Thắng nhấn mạnh.
Lưu ý các dự án tiến độ đã tốt nhưng phải hoàn thành đồng bộ bởi đường không chỉ xong hạ tầng phần cứng mà hoàn thiện cả phần mềm, như hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ,... Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng Cao tốc Bắc-Nam sẽ là trục giao thông huyết mạch, lưu lượng phương tiện rất lớn.
Sớm đấu thầu chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ và giao thông thông minh
Bộ trưởng Giao thông Vận tải giao các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông cũng nhìn nhận nếu trạm dừng nghỉ triển khai chậm sẽ dẫn hệ lụy xe cộ dừng nghỉ trên cao tốc, mất an toàn giao thông, mỹ quan, môi trường... Trạm dừng nghỉ không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn mà phấn đấu vượt chuẩn, quy mô và tiện ích nhất. Địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ để triển khai kịp thời.
“Tuyệt đối không được để cao tốc làm xong mà thiếu trạm dừng nghỉ. Cao tốc có trạm dừng nghỉ sẽ hạn chế xe đậu đỗ bên đường vừa dễ gây tai nạn vừa mất mỹ quan, xả rác ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải khắc phục triệt để các tồn tại của các dự án triển khai trước năm 2020. Các cao tốc giai đoạn 2 khởi công năm 2023 phải làm đồng bộ; chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật tốt hơn; xong hạ tầng cứng phải có ngay phần mềm để tổ chức giao thông thông minh, thông toàn tuyến trong năm 2025," Bộ trưởng chỉ đạo./.