Bộ trưởng GTVT: Kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Với nguồn vốn đầu tư công được giao kỷ lục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân bởi khối lượng vốn còn lại những tháng cuối năm vẫn còn rất nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng ngày 11/10. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng ngày 11/10. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với nguồn vốn đầu tư công được giao kỷ lục từ trước đến nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân bởi khối lượng vốn còn lại những tháng cuối năm vẫn còn rất nặng nề.

Cố gắng “hấp thụ” nốt 37.000 tỷ đồng vốn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng ngày 11/10, theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải được phân bổ hơn 95.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, chủ yếu cho dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Trong đó, Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được bố trí hơn 17.500 tỷ đồng; Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 được bố trí gần 45.500 tỷ đồng. Các dự án quan trọng, cấp bách được bố trí số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Nhóm dự án ODA được bố trí hơn 7.800 tỷ đồng; các dự án trong nước khác được phân bổ số vốn gần 27.800 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của bộ đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng Chín ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.

“Theo tính toán, trong bốn tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư được duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9/2023, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của bộ sẽ đạt được," ông Thái đánh giá.

Bộ trưởng GTVT: Kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Nhà thầu thi công một Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, thời điểm hiện tại, hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ Công trực tuyến tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ/ngày; giúp tạo thuận lợi và giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân.

[Bộ GTVT sẽ 'quyết liệt' để giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công]

Khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, ông Cường cho biết đề án giao thông thông minh (ITS) đã được trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét.

Ngay sau khi được phê duyệt, ông Cường cũng cam kết Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm đề án sử dụng công nghệ thông tin camera giám sát trên một số tuyến quốc lộ cấp 1, tuyến đường trọng yếu.

Về đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, đến nay đã khôi phục được 73 trung tâm đăng kiểm, nâng số lượng 269 trung tâm đăng kiểm trên cả nước và việc đăng kiểm ở các địa phương đã ổn định, không ùn tắc.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động tổ chức 42 đợt đánh giá đăng kiểm viên, công nhận mới 205 đăng kiểm viên xe cơ giới, 189 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, tạo nguồn lực duy trì ổn định hoạt động đăng kiểm.

“Ngày 19/10 tới đây, Cục đăng kiểm Việt Nam sẽ làm việc với 63 Sở Giao thông Vận tải để trao đổi đưa ra, dự báo số lượng xe đăng kiểm từ nay đến tháng 6/2024 để các sở tham mưu có về đào tạo nguồn nhân lực,” ông Thắng nói.

Song hành tiến độ thi công và giải ngân

Ghi nhận được nhiều kết quả tích cực trong những tháng qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của bộ còn rất nặng với 40% khối lượng giải ngân vốn đầu công còn lại, hoàn thiện tổng kết các luật chuyên ngành (Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt...) để trình cấp có thẩm quyền...

Với các dự án đang triển khai thi công, Bộ trưởng Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bám sát công trường, phối hợp tháo gỡ vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, bãi đổ thải, vật liệu, chuyển đổi đất rừng, đất lúa, hỗ trợ các nhà thầu trong thủ tục nghiệm thu, thanh toán, ngăn chặn những trường hợp gây nhũng nhiều trong thực hiện thủ tục giải ngân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Bộ trưởng GTVT: Kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2Một Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 đã được khánh thành và đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện gắn với tiến độ giải ngân, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, trong đó những vị trí nào thấy có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra ngay để đánh giá, có phương án xử lý kịp thời.

[6 bài học về tiến độ và chất lượng các dự án tuyến Cao tốc Bắc-Nam]

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn chú trọng công tác kiểm soát tải trọng xe, ngăn chặn tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; nghiên cứu triển khai công trình trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, tuyệt đối không để trạm dừng nghỉ dọc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chậm hơn việc xây dựng ở dự án giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh việc trình, thực hiện các đề án quản lý giao thông thông minh, nâng cao hiệu quả của các tuyến cao tốc...

“Các cục quản lý chuyên ngành chú trọng công tác xử lý các vị trí sạt lở, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến quốc lộ trọng điểm, có nhiều phương tiện phải qua lại,” ông Thắng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục