Bộ trưởng GTVT: ‘Không để tình trạng tăng giá vé máy bay trái quy định’

Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác nhằm đảm bảo mục tiêu 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch để rút ngắn tiến các Dự án cao tốc Bắc-Nam; tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Điều chuyển vốn nếu dự án chậm

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vào ngày 3/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết trong thời gian qua nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được xử lý, đặc biệt là việc tháo gỡ thủ tục khai thác cát biển. Một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3-6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng. Ngoài ra, hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hoá mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025.

Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là một trong số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao, ông Thắng giao nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch-Đầu tư theo dõi, kịp thời tham mưu để điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, đảm bảo mục tiêu 100% kế hoạch vốn năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Riêng hệ thống trạm dừng nghỉ, Cục Đường cao tốc Việt Nam cần chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vào sáng 3/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Giai đoạn 1 đã làm tốt, giai đoạn 2 phải làm rất nhanh, làm đồng thời. Cần phải lưu ý nhiều đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đến ngày 30/4 đã hoàn thành, do đó phải đảm bảo thời điểm khánh thành, dự án được đầu tư đồng bộ các hạng mục, trong đó có hệ thống trạm dừng nghỉ,” người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nói.

Ông Thắng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước triển khai đúng tiến độ dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành; xây dựng kế hoạch để rút ngắn tiến các Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng; hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 4 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành theo đúng kế hoạch; đẩy nhanh triển khai nghiên cứu thí điểm mở rộng sử dụng cát biển theo đúng kế hoạch để sớm có kết quả chính thức, toàn diện trong năm 2024 nhằm phục vụ cho các dự án triển khai trong thời gian tiếp theo.

Thanh tra, kiểm soát chặt giá vé bay

Đối với công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị cục trưởng các cục quản lý chuyên ngành được yêu cầu tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng, bến, nhà ga phục vụ hành khách; phối hợp với địa phương bảo đảm đầy đủ phương tiện phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm Hè, dịp nghỉ lễ 2/9, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

“Phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ an ninh, an toàn hàng không, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn tới sự cố uy hiếp an ninh an toàn hàng không. Vừa qua chúng ta đã làm rất tốt những tuyệt đối không được lơ là,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng quả quyết.

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot (lượt cất, hạ cánh) của các hãng hàng không.

Hành khách làm thủ tục chuyến bay tại một cảng hàng không. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá cao Luật Đường bộ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc, Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8/2024.

“Việc xây dựng nghị định, thông tư phải bảo đảm có thể triển khai ngay khi Luật có hiệu lực. Cần nhanh chóng triển khai các bước theo quy trình để thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho các tỉnh, thành ngay sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực,” ông Thắng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục