Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ngành vận tải phải cung cấp đủ số lượng toa xe, phương tiện để “cõng” hành khách về quê ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đồng thời lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian này.
Đo nồng độ cồn với lái xe đường dài
Tại buổi kiểm tra bến xe Mỹ Đình vào chiều ngày 15/1 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, Đối với dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý, dự kiến lượng khách đi lại vào sẽ bắt đầu đông từ ngày 15/1/2020 đến hết ngày 24/1/2020 (tức từ 21-30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) và 10 ngày sau Tết Nguyên Đán đối với các tuyến đường dài.
“Thường trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán khách sẽ dàn đều trong đợt, tập trung cao hơn vào trước ngày 23 tháng Chạp và ngày bắt đầu được nghỉ của Nhà nước (ngày 29 tháng Chạp). Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 130-150% so với ngày thường,” ông Toàn đánh giá.
Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số trọng tải phượng tiện, ông Toàn khẳng định lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai... sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
[Hà Nội tăng cường thêm 2.200 xe khách dịp cao điểm nghỉ Tết]
Để đảm bảo trật tự giao thông, an toàn đi lại của người dân trong dịp Tết, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các trạm công an bến, công an phường, công an quận để xây dựng phương án phối hợp đảm bảo trật tự an ninh trên bến; ngăn chặn việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng giả, cò mồi, rê dắt khách...
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát lái xe sử dụng ma túy, sử dụng chất kích thích nồng độ cồn đồng thời sẽ xử phạt phương tiện đón trả khách ngoài bến đặc biệt tuyến đường Phạm Văn Đồng và chống ùn tắc trong và ngoài bến xe đảm bảo không ai không được về quê ăn Tết.
Bổ sung thêm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân và chuyển trực tiếp lãnh đạo các lực lượng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương để có chỉ đạo xử lý kịp thời.
Đánh giá cao các bến xe đã chấp hành nghiêm các quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hoạt động vận tải khu vực Hà Nội và bến xe có nhiều cải cách tốt hơn như vệ sinh môi trường, phân luồng đi lại, hoạt động đi vào nề nếp, tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích của lái xe…
“Việc chấp hành của các doanh nghiệp, lái xe thời gian tương đối tốt nhưng vẫn còn phức tạp nếu không làm nghiêm và tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến bất ổn, không đảm bảo an toàn cho hành khách,” người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh.
[Xử lý hơn 2.600 vi phạm nồng độ cồn sau 6 ngày thực hiện Nghị định 100]
Do đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo bến xe quán triệt không để bất cứ hành khách nào không có xe để về quê ăn Tết, tăng cường số lượng tuyến đi về địa phương để giải tỏa khách như huy động xe buýt các doanh nghiệp, công ty du lịch… tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết bởi đây là ưu tiên số một phục vụ hành khách.
Tư lệnh ngành giao thông cũng yêu cầu các tổ liên ngành kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích cho lái xe, nên tập trung lái xe đường dài kéo dài 4 tiếng đồng hồ nhằm phát hiện và xử lý làm nghiêm theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100; giám sát hoạt động của các xe thông qua thiết bị giám sát hành trình về các vi phạm dừng đỗ, trả khách sai quy định…
Đường sắt phải đổi mới để thu hút khách
Tại ga Hà Nội, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết trong dịp Tết Canh Tý ngành đường sắt đã tăng 350.000 chỗ giường nằm và ghế ngồi, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong dịp cao điểm Tết là 15 triệu đồng/người.
Cho rằng ngành đường sắt cần tuyên truyền để người dân đảm bảo an toàn giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông tiết lộ, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực thực thi, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 1 trường hợp lái tàu vi phạm nồng độ cồn. Riêng trong năm 2019, có 36 nhân viên đường sắt có sử dụng nồng độ cồn khi đang làm. Theo thống kê của Cảnh sát giao thông, 34% số người chết vì đi bộ trên đường sắt.
[Đường sắt nối thêm toa xe, bổ sung chỗ trong dịp Tết Nguyên đán]
Biểu dương VNR đã tổ chức bán vé tự động giúp gần 40% hành khách không cần đến ga nên khách ở ga có giảm, Bộ trưởng Thể nhìn nhận tình hình trật tự tại nhà ga đã tốt hơn, ngành đường sắt đưa vào 1 số đoàn tàu, toa tàu mới với chất lượng dịch vụ đổi mới phù hợp với xu thế chung của ngành vận tải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể lại đặt vấn đề đường sắt có hệ số an toàn tốt hơn đường bộ, nhưng vì sao hành khách lại giảm và chiếm tỷ lệ nhỏ và ông chỉ ra là do năng lực của ngành, cách tiếp cận dịch vụ phục vụ hành khách vẫn còn có vấn đề.
“VNR phải đổi mới để thu hút hành khách, nếu không sẽ không thể phát triển,” Bộ trưởng nói.
Riêng phục vụ Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị VNR phối hợp với địa phương bộ ngành tuyên truyền Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ đặc biệt là sử dụng nồng độ cồn để cán bộ công nhân viên ngành phục vụ an toàn, tốt hơn./.