Bộ trưởng GTVT: Không để 3.000km cao tốc Bắc-Nam bị ách tắc ở bất cứ điểm nào

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh chỉ đạo các đơn vị của ngành phải nỗ lực hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nhà thầu nỗ lực thi công để hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà thầu nỗ lực thi công để hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với mục tiêu phải hoàn thành 3.000km vào năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị của ngành tăng tốc thi công ngày/đêm nhưng cũng đặc biệt lưu ý tiến độ đi cùng với chất lượng công trình.

Phải làm xong 1.188km cao tốc

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành 3.000km vào năm 2025 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 24/12, báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy theo kế hoạch dự kiến đến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án được chia làm 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 gồm 15 dự án/771km. Trong đó, với 10 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đến nay sản lượng thi công đạt 64% giá trị hợp đồng.

Nhiều dự án thành phần có giá trị thực hiện lớn, vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3-6 tháng gồm 4 Dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Bùng-Vạn Ninh, Vân Phong-Nha Trang phấn đấu hoàn thành dịp 30/4/2025.

Năm dự án thành phần gồm Vũng Áng-Bùng, Vạn Ninh-Cam Lộ, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong phấn đấu hoàn thành tháng 9/2025. Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2km tiến độ hoàn thành năm 2026 nhưng nhà thầu cũng đã đăng ký rút ngắn tiến độ hoàn thành trong năm 2025 (rút ngắn 9 tháng).

Tại nhóm dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng đoạn qua 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ (thành phố Cần Thơ), Dự án Bến Lức-Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cần hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, một số dự án phấn đấu hoàn thành, tuy nhiên chưa kết thúc việc gia tải nên khả năng hoàn thành dịp 30/4/2025 khá khó khăn (Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng).

Nhóm 2 gồm 8 dự án/281km cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp.”

Về tổ chức thi công, các Dự án Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau và Cao Lãnh-An Hữu có chiều sâu đất yếu lớn, thời gian gia tải kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.

Nguồn cát đắp cho Dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau đã đủ nguồn nhưng công suất khai thác hạn chế không đáp ứng tiến độ hoàn thành gia tải trước ngày 31/12/2024; nguồn cát đắp cho Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu sử dụng nguồn cát thương mại nên bị động trong nguồn cung; nguồn cung cấp đá cho Dự án Hòa Liên-Túy Loan và Tuyên Quang-Hà Giang gặp khó khăn do vượt quá công suất khai thác.

Nhóm 3 gồm 5 dự án và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc Dự án Bến Lức-Long Thành với tổng chiều dài 136km cần nỗ lực triển khai mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Với nhóm này, công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Nai (Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa-Vũng Tàu), Tuyên Quang (Dự án Tuyên Quang-Phú Thọ) và Bình Dương (Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) chậm, nếu không quyết liệt triển khai sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành.

Các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn do phụ thuộc vào các nguồn khai thác thương mại; Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu tiến độ triển khai thủ tục cấp mỏ của tỉnh Đồng Nai chậm.

Tiến độ phải đi cùng chất lượng

Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh bày tỏ sự lo lắng về công tác giải phóng mặt bằng và đề nghị các địa phương đẩy nhanh hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị tỉnh Đồng Nai vào cuộc tích cực hơn nữa trong bàn giao mặt bằng bởi nếu Dự án Biên Hoà-Vũng Tàu không thể về đích trong năm 2025, việc kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ gặp khó. Thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực trong năm 2025 hoàn thành toàn bộ 47km dự án Vành đai 3 được giao làm cơ quan chủ quản.

bo-truong-tran-hong-minh.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh chỉ đạo tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành 3.000km vào năm 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cũng lưu ý các địa phương, chủ đầu tư chú trọng vấn đề vật liệu cát và đá, tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu.

“Mong muốn nhất là không để tỉnh nào có dự án nằm trong kế hoạch 3.000km cao tốc trước thềm Đại hội Đảng không hoàn thành. Cả 3.000km thông từ Bắc đến Nam mà để bị tắc ở một điểm là không thể,” Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu cần tránh tâm lý nóng vội, Bộ trưởng cho rằng tiến độ phải đi cùng chất lượng; công tác kiểm tra, giám sát phải làm đúng, làm chặt, tư vấn giám sát phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tuyệt đối không được để ra sai sót./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục