Bộ trưởng GTVT 'chốt' thời gian sửa chữa xong đường băng Nội Bài

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị phải kiểm tra, rà soát thật chặt chẽ tiến độ, chất lượng, tuyệt đối tuân thủ an ninh, an toàn tại dự án sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài.
Các đơn vị đang triển khai thi công các hạng mục của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị thi công đặt mục tiêu xây dựng tiến độ hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài xong trước ngày 30/11/2020.

Đồng loạt tổ chức nhiều mũi thi công

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại buổi kiểm tra dự án thi công đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài vào chiều 31/8, theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (đơn vị quản lý, giám sát thi công dự án), trong năm 2020, dự án được bố trí 455,5 tỷ đồng, hiện đã giải ngân số tiền 264 tỷ đồng (đạt gần 58%) và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm bố trí nguồn vốn còn thiếu của dự án.

Đối với đường cất hạ cánh 1B dài 3.000m, ông Roãn cho biết các nhà thầu đã thi công được 72/630 vệt rải (đường cất hạ cánh 1B là 480 vệt, các nút đường lăn là 150 vệt) tương ứng khối lượng 9.000/70.445m3 bê tông xi măng đạt 12,7% và vượt tiến độ.

Với các hạng mục đường lăn, theo biện pháp tổ chức thi công được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, hiện nay nhà thầu đang triển khai sửa chữa hư hỏng các tấm, thi công nút đường lăn S2, S7. Các nút giao còn lại đặc biệt là nút chữ Y (S3-S4-S5A) thi công trong giai đoạn sau (từ ngày 6/11/2020).

Nhà thầu cũng huy động 200 đầu xe máy, thiết bị, hơn 1.400 cán bộ công nhân thực hiện trên công trường chia thành 3 ca thi công liên tục. Ban quản lý dự án Thăng Long đã phối hợp với các đơn vị liên quan họp và thống nhất các nội dung, hiệp đồng bảo đảm an toàn bay cho các đơn vị tham gia dự án.

[Đường băng Nội Bài khi sửa xong sẽ có ''tuổi thọ'' ít nhất 20 năm]

Dự kiến từ ngày 1-5/9, nhà thầu sẽ huy động thêm các máy rải bê tông xi măng và sản lượng sẽ đạt trung bình từ 12-15 vệt dài tương ứng 1.300-1.700m3/ngày và triển khai 4 mũi thi công lề vật liệu, 4 mũi thi công hệ thống thoát nước.

“Giá trị sản lượng thực hiện 3.000m đường cất hạ cánh 1B đến nay là 47,7 tỷ đồng đạt 11% so với giá trị thực hiện và đạt 3,7% so với giá trị gói thầu. Các đơn vị cũng đặt mục tiêu xây dựng tiến độ hoàn thành đường cất hạ cánh 1B cũng như hệ thống các đường lăn trước ngày 30/11/2020,” ông Roãn cho hay.

Để hoàn thành đường cất hạ cánh 1B theo đúng tiến độ, Ban quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận bàn giao mặt bằng khu vực nút giao chữ Y (S3-S4-S5) trong khoảng giữa tháng 9/2020 để triển khai thi công và mở rộng các tuyến đường công vụ để tăng khả năng lưu thông xe trên đường, tránh gây xung đột.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ ngày 1/9 sẽ bố trí để các nhà thầu có thể thi công từ 0 giờ 30 tới 6 giờ 30, tăng thêm một tiếng so với trước kia. Dự án sửa chữa đường băng trong bối cảnh vừa khai thác vừa thi công. Ưu tiên số 1 là đảm bảo an ninh, an toàn khai thác, kế đó mới đến chất lượng và cuối cùng mới là tiến độ.

Tiến độ phải tính theo giờ, ngày

Đánh giá so với yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải đặt ra thì tiến độ dự án vẫn còn chậm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan còn lỏng lẻo, trong đó tư vấn thiết kế là khâu đáng lo nhất.

“Tư vấn giám sát cũng yếu. Lẽ ra tiến độ chậm thì tư vấn giám sát phải đề xuất hướng xử lý,” Bộ trưởng Thể bày tỏ sự không hài lòng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khẳng định đây là công trình khẩn cấp, phải tính theo giờ, theo ngày, tuyệt đối không thể chậm, Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải kiểm tra, rà soát thật chặt chẽ tiến độ, chất lượng dự án. Ban quản lý dự án Thăng Long phải xây dựng kế hoạch tổng thể, làm rõ từng ngày bao nhiêu khối bê tông, cần bao nhiêu lao động chứ không thể quản lý lỏng lẻo như hiện nay.

[Đảm bảo tiến độ sửa đường băng và vận hành sân bay Nội Bài an toàn]

“Các cơ quan đơn vị tham gia dự án phải tuyệt đối tuân thủ an ninh, an toàn tại sân bay, phải ban hành riêng quy chế, ràng buộc trách nhiệm các bên. Đến ngày 30/11/2020 phải hoàn thành việc thi công để còn có thời gian hiệu chỉnh, chuẩn bị vận hành trước khi đưa vào khai thác chính thức,” Bộ trưởng Thể chỉ đạo./.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.031,6 tỷ đồng, được thực hiện theo 2 bước. Bước 1 là sáu tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B nhằm phục vụ Tết nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước tết nguyên đán năm 2022.

Dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất/ hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục