Bộ trưởng Giao thông nói về việc hãng bay tìm cách thu hút phi công

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết đã yêu cầu hãng hàng không mới phải giải trình, làm rõ nguồn nhân lực được đào tạo như thế nào, ở đâu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Đức Anh/Vietnam+)

Trả lời tại phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm rõ về việc cạnh tranh kinh doanh hàng không cũng như yêu cầu giải trình về thu hút nhân lực phi công giữa hãng bay.

Đối với chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) về việc đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh hàng không giữa đơn vị nhà nước và tư nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị này hoạt động.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có tình huống phát sinh khi những hãng mới, mua về nhiều tàu bay.

[Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói về đội ngũ phi công 'nhảy việc']

"Hiện nay, có tình trạng những hãng mới thu hút nhân lực của các đơn vị khác, trong đó có hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khiến toàn bộ các kế hoạch của hãng này bị ảnh hưởng,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Đưa ra các giải pháp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã yêu cầu hãng hàng không mới phải giải trình, làm rõ nguồn nhân lực được đào tạo như thế nào, ở đâu, chứ được hãng này nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới hãng khác thì không phải là mong muốn của Bộ.

“Bộ Giao thông Vận tải đang thận trọng xem xét, cho chủ trương trên cơ sở đảm bảo công bằng giữa hãng hàng không Quốc gia và tư nhân,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: TTXVN)

Ngay sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Thể vấn đề về bình đẳng hàng không. Theo ông Nhưỡng, Nhà nước cần có chính sách với hàng không bởi "nếu nói hãng mới thực hiện lôi kéo nguồn lực thì không phù hợp với quy định của Luật Lao động, phải thực hiện đúng quy định chứ không thể nói người ta làm sai."

Trước đó, theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, với việc tập trung xây dựng cơ sở đào tạo trong nước, đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã đào tạo gần 800 phi công là người Việt Nam trong tổng số 1.200 phi công, thiếu khoảng 400 nên phải tuyển người nước ngoài.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, thời kỳ đầu doanh nghiệp này phải sử dụng giải pháp “ăn xổi” đi thuê lao động nước ngoài để tiếp thu, vận hành ngay máy móc công nghệ cao, tàu bay mới trong bối cảnh nhân lực nội địa chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc này chính là chi phí nhân công rất cao.

“Hiện tại, tỷ lệ phi công Việt Nam của Vietnam Airlines đang chiếm tới 75% lực lượng phi công. Điều này đã chứng minh cho sự thành công của việc đầu tư, tự đào tạo nhân lực chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí của doanh nghiệp,” ông Thành nói.

Từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, Vietnam Airlines đang phải đối diện với nguy cơ "chảy máu chất xám" do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, lôi kéo phi công của hãng.

Theo ông Thành, trong giai đoạn đầu phát triển, Vietnam Airlines coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung, thế nhưng việc bị mất tới 30% phi công của một đội bay thì trở thành bất hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý với kiến nghị của Vietnam Airlines và thống nhất ý kiến rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định đặc thù trong Bộ luật Lao động, các nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục