Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã “đăng đàn” trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, công tác quản lý chất lượng đào tạo đại học và đổi mới thi cử. Rất nhiều câu hỏi được gửi tới vị “tư lệnh” ngành giáo dục khiến Hội trường Quốc hội khá sôi động.
Bên lề kỳ họp, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã trao đổi nhanh với báo chí về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng nay đã đăng đàn trả lời chất vấn được một số câu hỏi của các đại biểu. Ông đánh giá thế nào về phần trả lời này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng tỏ Bộ trưởng nắm vấn đề. Cái tôi hài lòng nhất là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chẳng những nhận khuyết điểm mà còn đưa ra được các giải pháp trong thời gian tới.
Tôi cũng muốn Bộ trưởng tranh luận thêm với các đại biểu Quốc hội là vì sao số lượng 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Tôi cũng không biết là số này thống kê đã đủ chưa?
Như chúng ta thấy, lý do là bởi quy hoạch phát triển các trường đại học trong thời gian vừa qua quá nhiều. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là tình hình kinh tế xã hội của chúng ta trong 5 năm qua chỉ tăng trưởng 5,91% nên vấn đề tạo công ăn việc làm cũng có khó khăn nhất định. Và, kể cả nước ngoài thất nghiệp cũng gia tăng.
Do đó, phải àm sao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ 6,5 - 7% trong giai đoạn tới để góp phần giải quyết công ăn việc làm.
Tôi lấy ví dụ bốn năm trước, sinh viên ngân hàng ra trường thất nghiệp nhiều vì ngân hàng tái cơ cấu, giảm biên chế… Nhưng gần đây khi tình hình ngân hàng đã giải quyết được nợ xấu, kinh tế phát triển trở lại thì nhu cầu tuyển dụng tăng lên.
Như vậy, phải gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát triển.
- Nhiều đại biểu cũng lo ngại về chất lượng giáo dục ở miền núi, hải đảo…, ông có ý kiến gì về việc này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đây là vấn đề đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội và cả Ủy ban Nhân dân các địa phương - nơi có người dân tộc thiểu số và khu vực miền núi.
Bởi lẽ, đây còn là vấn đề đầu tư xã hội, đầu tư công để xây dựng trường học và các chính sách về lương bổng cần ưu có đãi hơn. Chúng ta đầu tư đúng nghĩa cho giáo dục thì chất lượng giáo dục sẽ tăng lên.
- Tham gia nhiều khóa Quốc hội, ông nhận xét không khí trong các buổi chất vấn của kỳ họp này với các lần họp trước có gì khác?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Thực ra trong mỗi kỳ họp, phần chất vấn đều sôi nổi, tạo sự đối thoại, chia sẻ cùng nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và những vấn đề xã hội luôn quan tâm.
Tôi nghĩ không khí kỳ họp này sôi động hơn rất nhiều, không những tranh luận của đại biểu với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để tìm ra một giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất.
- Xin cảm ơn ông!