Vấn đề nóng tuần qua là giá xăng dầu được điều chỉnh lần thứ ba kể từ đầu năm với mức tăng tổng cộng 30% khiến người dân băn khoăn về tốc độ tăng giá xăng nhanh trong thời gian ngắn như vậy.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và việc trong thời ngắn vừa qua, giá xăng dầu bán lẻ trong nước điều chỉnh so với thời điểm thấp nhất tăng 30% là hợp lý.
Theo lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay tính đến đêm 21/5 vừa qua là 60,72 USD/thùng, thời điểm giá thấp nhất tháng Hai năm nay là 43,9 USD/thùng. Diễn biến giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay so với thời điểm thấp nhất đã tăng 38,3% trong khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 30%. Như vậy việc điều chỉnh là hoàn toàn hợp lý.
Vừa qua, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít; đồng thời cũng phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về thuế suất nhập khẩu, trong đó có xăng dầu.
Ngay từ 15/4 vừa qua đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20%. Theo tính toán, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng lớn hơn 2% so với số tăng thuế bảo vệ môi trường, do vậy có thể khẳng định công cụ điều hành về thuế đã phát huy tác dụng, cũng như có tác động giảm giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Để không xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý các mặt hàng khác khi giá xăng, giá điện đều tăng trong thời gian qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, công tác giám sát giá cả thị trường là rất hệ trọng.
Theo quy định của pháp luật về giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý về giá, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ chức năng quản lý về giá theo lĩnh vực phụ trách.
Ví dụ giá thuốc, dịch vụ y tế do Bộ Y tế quản lý, giá điện, xăng dầu do Bộ Công Thương chủ trì, giá bưu chính viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, các cơ cquan chuyên môn quản lý giá theo chức năng được phân công, các Ủy ban Nhân dân tỉnh trong phạm vi quản lý địa bàn của mình cũng chịu trách nhiệm chức năng quản lý về giá theo quy định của pháp luật.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, hạn chế các hiện tượng lợi dụng tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính trong thời gian tới tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý về giá thông qua một số nội dung chủ yếu như tiếp tục rà soát và sửa đổi bổ sung các văn bản liên quan về quản lý giá; tăng cường theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có các biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường giám sát chặt chẽ việc kê khai giá các mặt hàng thuộc danh mục phải kê khai giá; và thứ tư là tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các quy định về giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhìn lại diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trong quý 1 vừa qua, trong đó có tháng Tết Nguyên đán là tương đối phức tạp, nhưng do triển khai các giải pháp đồng bộ, nhịp nhàng nên đã kiểm soát khá tốt giá cả thị trường, cùng với đảm bảo ổn định được nguồn cung nên đã có tác động tích cực tới kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, 4 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 0,04% so với cuối năm trước. Đây là kết quả tổng hợp nhất để đánh giá về công tác điều hành quản lý giá.
Trước ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính đang áp trần giá sữa là biện pháp đi ngược với quy luật của thị trường, Bộ trưởng khẳng định quan điểm quán triệt quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước tôn trọng quyền định giá, tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh theo các quy định pháp luật về giá và theo các cam kết quốc tế.
Nhìn lại cách đây hơn một năm, trước phản ánh của dư luận về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Việt Nam giá rất cao so với các nước trong khu vực, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn trên thị trường của Việt Nam. Qua đó, phát hiện một số sai phạm mà từ đó tác động làm giá sữa tăng lên.
Căn cứ vào quy định pháp luật về giá, Bộ đã kiến nghị Chính phủ và Chính phủ đã ra Nghị quyết 29 tại kỳ họp tháng Năm này về bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo biện pháp đăng ký và xác định giá tối đa.
Ngay sau đó, Bộ đã ban hành Quyết định 1079 để tổ chức hướng dẫn, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Qua gần một năm thực hiện, cùng với sự vào cuộc phối hợp quản lý giá sữa của các ngành các cấp, các địa phương đã có kết quả rõ nét, được sự đồng thuận cao của công luận, của nhân dân.
Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 0,1 đến 34% so với trước khi chúng ta quản lý. Nhưng từ đầu năm đến nay khi sắp hết thời hạn quản lý giá sữa theo Nghị quyết 29 của Chính phủ, tình hình giá sữa trong nước cũng có diễn biến khá phức tạp. Đầu năm giá nguyên liệu sữa thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm. Mặt khác, nếu so sánh giá sữa cùng chủng loại, chất lượng thì vẫn quá cao so với các nước trong khu vực như cao hơn Thái Lan 14%, Philippines 24% và Malaysia là 46%.
Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp là phải cạnh tranh, đã cạnh tranh phải cùng tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã thì phải lấy giá cả làm tiêu chuẩn cạnh tranh. Có như thế, người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Hơn 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng tiêu dùng rất nhạy cảm, cả thế giới quan tâm, vì vậy Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp quản lý giá sữa theo quy định pháp luật về giá, sẽ tiếp tục áp trần giá sữa, kê khai giá sữa trong thời gian tới.
“Đó là điều rất quan trọng, chúng ta không đi ngược lại với cam kết quốc tế, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải thấy tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật và giá cả phải bình đẳng không chỉ trong nước cùng sản phẩm, cùng mặt hàng mà so cả với cả khu vực người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Chúng tôi thấy rằng việc điều hành quản lý của chúng ta vừa qua và tới đây các vấn đề liên quan tới giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế,” Bộ trưởng nói.
Về vấn đề mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp loại trừ hết chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá thành sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi nhưng giá sữa mới chỉ giảm từ 0,4-4% là khá thấp.
Bộ trưởng cho biết, chưa nói đến chi phí quảng cáo và khuyến mại thì trong thời gian qua khi triển khai Nghị quyết của Chính phủ về áp trần giá sữa thì giá sữa trong 1 năm qua đã giảm từ 0,1 đến 34%. Đồng thời, với đó triển khai Nghị định số 100 năm 2014 của Chính phủ, Bộ đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp loại trừ hết chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá thành sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi. Qua đó đã giảm thêm 0,4-4% giá sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, đây là phần giảm thêm.
“Hi vọng trong thời gian tới tiếp tục triển khai Nghị quyết của Chính phủ về quản lý giá sữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra thì các mặt hàng sữa nói chung cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có trẻ em dưới 2 tuổi sẽ được quản lý tốt hơn, giá sữa sẽ cạnh tranh hơn và tăng hơn lợi ích cho người tiêu dùng”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề báo chí, dư luận đã phản ánh hiện tượng các doanh nghiệp thay đổi mẫu mã các sản phẩm sữa, Bộ trưởng cho biết đã lường tới việc này, nên khi rà soát hồ sơ kê khai về giá, các cơ quan quản lý về giá sữa đối chiếu với hồ sơ xác nhận công bố hợp quy của các sản phẩm mới do Bộ Y tế cấp cho doanh nghiệp.
Qua đó, một số sản phẩm sữa mới có trọng lượng, mẫu mã gần giống với sản phẩm cũ nhưng thành phần dinh dưỡng có khác nhau và đã được Bộ Y tế xác nhận. Và chúng tôi cũng chưa phát hiện thấy có sản phẩm nào thay đổi mẫu mã mà có thành phần dinh dưỡng giống nhau hoàn toàn mà doanh nghiệp tăng giá lên.
Theo quy định, giá tối đa sữa được xác định tương ứng với chủng loại chất lượng và trọng lượng cho từng sản phẩm sữa. trong trường hợp có thay đổi mẫu mã, các yếu tố thành phần dinh dưỡng, giá tối đa sẽ được xác định mới cho phù hợp. Các hãng sữa vi phạm quy định này sẽ bị thanh, kiểm tra và nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan tới công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua được cắt giảm nhiều nhưng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn thái độ nhũng nhiễu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, làm sao để các chính sách ban hành cho người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi là vấn đề hệ trọng, hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực bộ máy tổ chức, năng lực đội ngũ cán bộ.
Bộ Tài chính đang tập trung một số giải pháp để đạt hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư như cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức thuế, hải quan, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này phù hợp với cơ chế quản lý mới.
Việc chuyển cơ chế quản lý thuế, hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm nên đội ngũ này cũng cần đào tạo lại; rà soát sửa đổi các quy định quy chế thực hiện công vụ trong các cơ quan thuế, hải quan.
Hiện các quy định nội bộ của cơ quan thuế là 70 quy định, trong đó có 20 quy định liên quan tới người nộp thuế. Do đó cần tập trung rà soát lại để phù hợp với quy định mới pháp luật ban hành làm cơ sở thực thi công vụ theo quy trình đấy để xã hội giám sát. Đẩy mạnh hiện đại hóa và kê khai thuế hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp của các cán bộ thuế, hải quan cùng đó tuyên truyền chính sách thuế để doanh nghiệp và người dân hiểu thực hiện. Tăng cường thanh tra giám sát của xã hội, người dân, doanh nghiệp với hoạt động cán bộ công chức thuế, hải quan qua đó nêu tấm gương tốt cũng có biện pháp xử lý kịp thời với người vi phạm.
Thời gian qua, qua kiểm tra thanh tra nội bộ, qua kiểm tra chống thất thu thuế, gian lận thương mại, hoàn thuế giá trị gia tăng…, đã phát hiện nhiều vụ việc và đã phối hợp với cơ quan chức năng để đưa ra khởi tố một số vụ, một số cán bộ vi phạm đã bị xử lý theo pháp luật và một số cán bộ vi phạm chưa đến mức khởi tố thì xử lý hành chính.
“Chúng tôi cũng rất nghiêm khắc trong việc xử lý những sai phạm của cán bộ công chức ngành thuế, hải quan trong thời gian vừa qua,” Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngành tài chính thời gian qua cũng đạt được kết quả tốt trong cải cách thủ tục hành chính thông qua ban hành các văn bản pháp luật. Bộ đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 để sửa 7 Thông tư, theo tính toán và được Ngân hàng thế giới công nhận Thông tư này ra đời giảm được thời gian nộp thuế của doanh nghiệp 201,5 giờ.
Ngay sau đó, Bộ kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị địnhh 91/2014 để sửa đổi bổ sung 4 Nghị định về thuế và cũng giảm được hơn 88 giờ…. Như vậy, theo tính toán thời gian nộp thuế của doanh nghiệp từ 537 giờ đã giảm được 370 giờ còn 167 giờ.
Tương tự với lĩnh vực hải quan, cũng đã triển khai hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia đang được đẩy mạnh, năng lực cạnh tranh của hải quan trong tương lai ngắn sẽ được cải thiện tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới./.