Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sẽ giải quyết tận gốc đường hằn, lún

Nhiều tuyến Quốc lộ hằn lún vệt bánh xe đã trở thành vấn nạn khiến ngành giao thông nhiều lần đau đầu truy tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa chỉ đích danh được “thủ phạm”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sẽ giải quyết tận gốc đường hằn, lún ảnh 1Quốc lộ 18 qua tỉnh Quảng Ninh mới được thông xe nhưng nền đường đã bị hằn lún. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Nhiều hội thảo về truy tìm nguyên nhân gây hằn lún vệt bánh xe tại nhiều tuyến Quốc lộ được tổ chức nhưng vẫn chưa truy được “thủ phạm”, thậm chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đặt ra sự nghi ngại về hiện tượng này khi, toàn ngành giao thông đau đầu và ngay bản thân ông nhiều đêm mất ngủ vì mọi người đã cố gắng làm tốt nhưng tại sao vẫn chưa giải quyết được triệt để?

Đúng tiêu chuẩn nhưng đường vẫn lún

Mở đầu hội thảo tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên các tuyến Quốc lộ chiều nay, (24/6) của Bộ Giao thông Vận tải, đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành giao thông chưa tìm được ra nguyên nhân cũng như chưa có một giải pháp nào hiệu quả để khắc phục triệt để vấn đề nhức nhối này. Nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ, nhiều chuyên gia đầu ngành đã vào cuộc, nhiều thử nghiệm đã tiến hành nhưng đường thì vẫn lún!

“Tất cả các đơn vị đều báo cáo công nghệ áp dụng đúng, đang làm đúng theo tiêu chuẩn thế giới nhưng đường thì càng lún. Vật liệu, do chất lượng nhựa đường đã giao Cienco 4 sang Singapore nhập về thảm lại nhưng đường vẫn bị hằn lún. Có ý kiến nói nguyên nhân do giám sát nhưng giám sát nội, ngoại Cuba ở tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình, cao tốc Nội Bài-Lào Cai tư vấn Getinsa của châu Âu cũng lún,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Ngoài ra, vị Tư lệnh ngành giao thông cũng cho rằng, vấn đề hằn lún xuất hiện khiến nhiều đơn vị thi công có kinh nghiệm, có bề dày cũng đang mất tự tin vì không đảm bảo được, đường có tiếp tục lún hay không?

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, hằn lún vệt bánh xe là ngành nạn của giao thông vận tải, đi suốt các tuyến đường thì tất cả các trục chính đều có hằn lún vệt bánh xe. Câu hỏi nghi vấn về nhựa 2 năm nay đặt ra nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hằn, lún xuất hiện nhiều và nghiêm trọng ở những vị trí cục bộ như điểm giao cắt, đỉnh dốc… qua phân tích nguyên nhân cho thấy, đơn vị thi công chưa kiểm soát được cốt liệu đầu vào, giải pháp thiết kế lại không linh hoạt giữa các vị trí, dùng một loại kết cấu áo đường áp dụng cho tất cả các loại đường, trên các vùng miền, điều kiện địa chất, thời tiết.

“Một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội hiện nay là xe quá tải. Thống kê đoạn Hà Nam- Thanh Hóa, tỷ lệ xe quá tải lên tới 23%, trong đó phần lớn là xe quá tải đến gần 3 lần tải trọng cho phép,” ông Hà bổ sung thêm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sẽ giải quyết tận gốc đường hằn, lún ảnh 2Xe quá tải, chất lượng nhựa đường là những nguyên nhân khiến đường hằn, lún. (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng Công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải lại chỉ ra rằng, nguyên nhân gây hằn lún đường là do chưa kiểm soát được vật liệu đầu vào đúng chuẩn, một số dự án chưa đạt yêu cầu, chưa kiểm soát được thành phần cốt liệu tại mỏ. máy móc thiết bị cũ, lạc hậu. Vài năm trở lại đây có sự nở rộ của các đơn vị thi công bê tông nhựa mà không hoặc có rất ít kinh nghiệm.

Bổ sung thêm về vật liệu đầu vào, theo giáo sư Tống Trần Tùng, Hiệp hội cầu đường Việt Nam lại chỉ đích danh nguyên nhân hằn lún là chất lượng nhựa đường, có hay không câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh về vấn đề nhập khẩu nhựa đường thảm trên tuyến.

Sẽ giải quyết "tận gốc" hằn, lún

Nhằm khắc phục triệt để hiện tượng trồi, sụt lún nền mặt đường, đại diện các cơ quan chức năng trong ngành giao thông và chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, chất lượng nhựa đường và công tác thi công, thiết kế.

Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp kể trên có giải quyết tận gốc tình trạng hằn lún hay không?” thì vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía các đơn vị tham gia hội thảo.

Quyết tâm nhằm giải quyết “vấn nạn” hằn, lún, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta càng siết chặt thì đường càng lún? Giao thông vận tải là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất, vì vậy phải tiêu sao cho hiệu quả, xứng với đồng tiền của nhân dân. Bây giờ, các anh không cần theo quy trình, quy phạm. Nếu có giải pháp được, tôi sẵn sàng ký, thậm chí không cần phải trình, miễn là mặt đường không bị hỏng, bảo hành trong 5 năm.”

Đối với các công việc trước mắt, Bộ trưởng giao từng đơn vị liên quan thực hiện dự án như Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công phải nâng cao chất lượng, tăng cường kiểm định độc lập, kiểm tra, giám sát chặt các quy trình thiết kế, thi công.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng ý đối với từng điều kiện địa hình địa chất khác nhau có thiết kế, kết cấu nền đường, áo đường cho phù hợp; vị trí đặc biệt có thể điều chỉnh nhưng không được làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Nhấn mạnh yếu tố đạo đức của người làm giao thông cũng quan trọng không kém, Bộ trưởng giao các đơn vị phải kiểm tra chất lượng chuyên môn, đạo đức của tư vấn giám sát. Tránh tình trạng không làm mà chỉ tìm cách móc nối với nhà thầu đòi chia chác tỷ lệ phần trăm, phần nghìn.

“Tôi sẽ làm việc với từng Ban quản lý để nâng cao chất lượng quản lý, nếu làm nghiêm không thể kém chất lượng. Nhà thầu thi công cần phải xem lại hồ sơ mời thầu, loại thiết bị công nghệ nào mới được vào; nghiên cứu đấu thầu thảm nhựa chỉ 2-3 nhà thầu, tránh chất lượng không đồng đều đồng thời phải tự xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nếu không có không cho thi công,” người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu ngay trong tháng Bảy này, các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư phải có kế hoạch khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng, có hiện tượng hằn, lún vệt bánh xe.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông được giao nhiệm vụ kiểm tra lại tất cả các công trình sắp hết thời hạn bảo hành ít nhất là 3 tháng, phát hiện vấn đề phải yêu cầu nhà thầu tự bỏ kinh phí ra xử lý, tránh tình trạng, đường vừa hết hạn bảo hành thì cũng hư hỏng, xuống cấp. Nếu có tuyến đường, công trình nào như vậy, anh Sanh (Trần Xuân Sanh-Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng Công trình giao thông-PV) phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm.

“Không thể để tình trạng này mấy năm nay càng khắc phục càng lún, trái với quy luật như vậy. Trong khi ai nói cũng đúng hết. Chưa tìm được nguyên nhân phải có biện pháp khắc phục. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, đề nghị các đơn vị phải tìm ra được nguyên nhân gây hằn, lún, trượt mặt đường cũng như đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả,” Bộ trưởng Thăng cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục