Bộ trưởng Công Thương: '2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu'

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả nước năm 2017 đã đạt ngưỡng 213,8 tỷ USD, tăng tới 21,1% so với năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Bộ trưởng Công Thương: '2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu' ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt xa mốc 200 tỷ USD, theo​ đánh giá của các chuyên gia, năm 2017 được coi là năm đặc biệt thành công của lĩnh vực này.

Đây cũng là điểm nhấn quan trọng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công Thương diễn ra ngày 15/1, tại Hà Nội.

Xuất khẩu vượt xa dự báo

Thống kê của Bộ Công Thương đưa ra cho thấy, xuất khẩu cả nước năm 2017 đã đạt ngưỡng 213,8 tỷ USD, tăng tới 21,1% so với năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra với mức tăng từ 7% - 8%.

['Ngành chế biến, chế tạo vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế']

Không dừng lại ở đó, Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đã vượt ngưỡng trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, dự kiến có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

​Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng công nghiệp chế biến có tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%. Ngoài ra, xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh, đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA như: xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 31,1%, đạt 15 tỷ USD...

Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. Ông Hưng cho biết, trong năm 2017, có tổng số 764.052 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp, trị giá các lô hàng được hưởng ưu đãi xuất xứ là 37,8 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và 24% về trị giá so với năm 2016.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2017, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu khoảng 104 tỷ USD.

Với những kết quả trên, trong năm 2017, cả nước vẫn duy trì xuất siêu với mức thặng dư khoảng 2,67 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2017.

​Chia sẻ thêm ý kiến tại hội nghị, ông Huỳnh Ngọc Dương, Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, năm 2017 giá càphê đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, cùng với đó giá cao su phục hồi đã góp phần ​đem lại giá trị xuất khẩu cao cho địa phương.

Để góp phần vào mục tiêu chung của toàn ngành, theo ông Dương, ​tỉnh Đăk Lăk sẽ tập trung hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chế biến và thông qua chương trình Xúc tiến thương mại để tìm kiếm mở rộng thị trường.

Có thể thấy, điểm nhấn năm 2017 của xuất khẩu có đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, có được kết quả ​nổi bật trên có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông thủy sản.

Tuy vậy, trước rào cản ngày càng gia tăng từ thị trường thế giới, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến nghị ​hai bộ cần chú trọng phân tích thị trường tiềm năng, thị trường trọng tâm ​qua đó giúp các hiệp hội định hướng rõ thị trường, tìm ra những hạn chế để phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, liên bộ cần có chính sách giúp các địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu nhằm tạo nguồn cung ổn định, ​thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

- Biểu đồ xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 và 2017:

Vẫn phụ thuộc vào FDI

Mặc dù đạt được thành tích ấn tượng nhưng trong cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất cân đối. Chỉ ra thực tế này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh.

Thực tế hiện nay, đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, trong khi chưa đầy 30% là của doanh nghiệp nội.

Dù đây là xu hướng khách quan từ quá trình hội nhập và nền kinh tế vẫn thu được những lợi ích không nhỏ từ sự gia tăng của khối doanh nghiệp FDI, nhưng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây vẫn là điểm hạn chế cần được khắc phục để có thể phát huy được tốt hơn khu vực doanh nghiệp trong nước.

​Cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất khó tham gia được vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI lớn, chủ yếu do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng đã nêu ra 9 giải pháp ​nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ nét các lĩnh vực của ngành, trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Bộ trưởng nêu rõ, mục tiêu cho năm 2018 sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính (trong tổng số 452 thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương), đồng thời nâng cấp mức độ các dịch vụ công trực tuyến của Bộ bảo đảm mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ có 170/298 dịch vụ (chiếm 57%) được thực hiện ở cấp độ 3 và 4.

Bộ trưởng Công Thương: '2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu' ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị tổng kết của ngành. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về tái cơ cấu, Người đứng đầu ngành Công Thương tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc chất lượng, lấy tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Bộ trưởng ​cũng quyết tâm tập trung xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

"Bộ Công Thương xác định năm 2018 sẽ là năm có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Bộ cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ​nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục