Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đầu tư cho nông nghiệp vẫn dàn trải

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận tình trạng đầu tư dàn trải trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Tình hình chung khó khăn trong vài năm năm gần đây khiến vai trò của nông nghiệp nổi lên như một trụ đỡ vững chắc cho cả nền kinh tế. Bởi vậy, nguồn vốn dành cho ngành nông nghiệp cũng ngày càng được quan tâm đầu tư.

Với chủ trương vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn “5 năm sau tăng gấp đôi so với 5 năm trước,” việc sử dụng nguồn vốn đầu tư sao cho hiệu quả, hợp lý cũng là bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp.


Vẫn còn dàn trải

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2004-2013, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn khoảng hơn 718.000 tỷ đồng, bằng 48,5% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước. Thực hiện theo chủ trương từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2009-2013 khoảng 520.490 tỷ đồng, tăng gấp 2,62 lần so với 5 năm trước.

Tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý giai đoạn 2006-2014 là khoảng 33.522 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 3.700 tỷ đồng). Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư các công trình thủy lợi do Bộ quản lý trong giai đoạn này vào khoảng 36.096 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% nguồn vốn đầu tư qua Bộ. Đây được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho ngành nông nghiệp đầu tư vào nhiều dự án thủy lợi quy mô lớn, cấp bách ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn chung trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng nhưng tỷ trọng đầu tư còn có sự chênh lệch lớn. Thủy lợi đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn (chiếm tới 81,4%) trong khi đầu tư cho các lĩnh vực trực tiếp sản xuất còn thấp như nông nghiệp chiếm 5,6%, lâm nghiệp chiếm 3,4% và thủy sản chiếm 2,9%. Giai đoạn 2011-2014, cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực cũng mới bước đầu được điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư cho ngành thủy lợi và tăng tỷ trọng đầu tư cho các ngành trực tiếp sản xuất.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa được khắc phục triệt để.

“Dù việc bố trí vốn đã được ưu tiên cho các dự án có khả năng hoàn thành, hạn chế tối đa việc mở mới nhưng do tồn đọng từ nhiều năm trước nên vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải,” Bộ trưởng nói.

Điều này được thể hiện qua tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng cân đối nguồn ngân sách đầu tư khi mà nhiều năm qua, nguồn vốn ngân sách do Bộ quản lý chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu đầu tư. Nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt (nhất là trong các năm 2009 và 2010) nhưng hiện vẫn chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư, trong đó chủ yếu là lĩnh vực thủy lợi. Ngoài ra, tiến độ thi công dự án còn chậm, kéo dài cũng làm giảm hiệu quả đầu tư.

Cũng có nhiều nguyên nhân được đưa ra, như vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thường đã được “cố định” về mục tiêu, nhất là các dự án trái phiếu Chính phủ và ODA, nên khó điều chỉnh phù hợp với thực tế. Việc đánh giá, giám sát hiệu quả sau đầu tư còn yếu, thiếu nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư.

Bên cạnh đó, do đầu tư vào nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp trong khi hệ thống chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chưa đồng bộ nên còn thiếu nguồn lực thực hiện và hiệu quả chưa cao.


Đầu tư theo lĩnh vực ưu tiên

Tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn được xác định là tăng với tỷ trọng hợp lý. Dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp (bao gồm cả thủy lợi) là khoảng 239.400 tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2015 và 480.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 (gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước), đáp ứng được khoảng 66% so với nhu cầu đầu tư. Việc đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư thông qua Bộ và tăng phân cấp về cho các địa phương.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công hạn chế, để duy trì nhịp độ tăng trưởng ngành, nhất thiết phải điều chỉnh cơ cấu, cơ chế đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vào ngành.

“Định hướng của ngành là đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư vào ngành. Việc đầu tư phải dựa trên nguyên tắc lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường làm mục tiêu ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ vốn hàng năm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo định hướng này, ngành nông nghiệp sẽ tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho các lĩnh vực trực tiếp sản xuất như khai thác, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nghề muối. Trong số này, lĩnh vực được tăng ưu tiên đầu tư trong cơ cấu ngành nông nghiệp là thủy sản. Tỷ trọng đầu tư tăng mạnh từ 2,9% giai đoạn 2006-2010 lên 5% giai đoạn 2011-2014 và 8,7% trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ sẽ hướng vốn đầu tư vào thực hiện các dự án hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, trung tâm giống thủy sản cấp quốc gia ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ; đầu tư các cảng cá loại I tại các đảo có vị trí quan trọng, gần ngư trường trọng điểm và có khả năng kết hợp với khu neo đậu tránh bão, đồng thời tập trung hoàn thành các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng đang dở dang.

Các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp cũng được tăng tỷ lệ đầu tư với các chương trình, dự án tập trung vào phát triển giống cây, con, quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch. Trong khi đó, Bộ sẽ giảm mạnh tỷ trọng đầu tư đối với lĩnh vực thủy lợi từ 81,4% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 68% giai đoạn 2016-2020.

Cùng với điều chỉnh theo từng lĩnh vực, Bộ cũng điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo vùng qua việc tăng tỷ trọng đầu tư cho các vùng lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng ven biển và hải đảo.

Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, nên chọn một số tỉnh trọng điểm đã có cách làm hay từ lựa chọn cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu thể chế, áp dụng công nghệ mới..., để đại diện cho một số vùng, từ đó trong quá trình thực hiện vừa có thể hỗ trợ cho các tỉnh này vừa rút ra các giải pháp cơ chế chung cho vùng.

Trong tái cơ cấu định hướng ngành nghề, mỗi tỉnh hiện đang đi theo hướng riêng. Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, ngoài những ngành hàng có tính chất nhỏ mang tính địa phương, phải tính tới định hướng ngành hàng lợi thế cho từng vùng thì mới có thể phối hợp thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng được, để sau này tránh tình trạng trùng lấp, cung vượt cầu, không đúng tiêu chuẩn của thị trường.

“Mảng nghiên cứu thị trường hiện rất ít, cần xây dựng đội ngũ nghiên cứu thị trường, giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu, thành lập cả các cơ sở nghiên cứu của tư nhân, các hiệp hội. Sau khi làm nghiên cứu thị trường thì cần có đội ngũ làm tiêu chuẩn, thương hiệu, kết nối thị trường, dịch vụ thị trường thì việc đầu tư mới hiệu quả,” ông Đặng Kim Sơn đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục