Bộ trưởng Brazil bị phạt vì không đeo khẩu trang khi dự sự kiện

Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub đã bắt tay và chụp ảnh với những người ủng hộ, những người này cũng không đeo khẩu trang và ông đã phải nộp phạt 2.000 real (385 USD).
 Bộ trưởng Brazil bị phạt vì không đeo khẩu trang khi dự sự kiện ảnh 1Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub. (Nguồn: noticias.r7.com)

Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub đã bị phạt hành chính vì không đeo khẩu trang dù việc này đã trở thành yêu cầu bắt buộc ở nơi công cộng trong thủ đô Brasillia kể từ tháng Tư.

Tại một sự kiện thu hút những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 14/6, ông Weintraub đã bắt tay và chụp ảnh với những người ủng hộ, những người này cũng không đeo khẩu trang. Ông đã phải nộp phạt 2.000 real (385 USD).

Brazil hiện là nước có số ca nhiễm (891.550 người) và tử vong (44.100 người) cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

[Số ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh]

Trong khi đó, Peru, một trong những nước bị tác động nặng nề nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng Tư vừa qua sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, số liệu công bố ngày 15/6 của Viện Thống kê quốc gia cho biết hoạt động kinh tế nói chung giảm 40,49%, trong đó ngành khai mỏ giảm mạnh - hơn 40,29%. Peru là một trong những nhà sản xuất đồng, vàng và bạc lớn nhất thế giới.

Con số ảm đạm của tháng Tư cho thấy sự "thụt lùi" của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, với tác động lên thương mại, sản xuất, xây dựng, khai mỏ, vận tải, khách sạn và dịch vụ.

Tình hình này diễn ra khi mà tháng Ba vừa qua, kinh tế Peru, một trong những nền kinh tế mạnh nhất ở Mỹ Latinh trong thập kỷ qua, đã suy thoái hơn 16%. Trước tháng Ba, nước này đã ghi nhận 127 tháng liên tiếp tăng trưởng.

 Bộ trưởng Brazil bị phạt vì không đeo khẩu trang khi dự sự kiện ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Lima, Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp một lệnh phong tỏa thực thi từ ngày 16/3 vừa qua, Peru là nước bị tác động mạnh thứ hai trong khu vực, sau Brazil, với gần 233.000 ca nhiễm và hơn 6.800 ca tử vong.

Chính phủ của Tổng thống Martin Vizcarra đã tung ra một loạt biện pháp kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu hộ gia đình.

Tuy nhiên, sau đó chính phủ đã phải gia hạn các biện pháp cách ly đến ngày 30/6, khiến Peru nằm trong số các nước áp dụng phong tỏa trong thời gian dài nhất thế giới.

Nước này lên kế hoạch đưa chương trình đầu tư công có tên là “Khởi động Peru” với tổng số tiền là 6,43 tỷ sol (1.86 tỷ USD) nhằm tạo ra hơn một triệu việc làm từ nay đến nửa cuối năm 2020.

Chương trình này sẽ phân bổ 3,89 tỷ sol (1.12 tỷ USD) cho ngành giao thông và truyền thông, với mục đích tạo ra 570.000 việc làm; 535 triệu sol (155 triệu USD) cho lĩnh vực xây dựng nhà ở để cung cấp việc làm cho 137.079 lao động; 937 triệu sol (271 triệu USD) cho lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu tạo ra 76.555 việc làm; và 694 triệu sol (200 triệu USD) cho một chương trình hỗ trợ việc làm khác.

Từ tháng 3-5/2020, ước tính 13,1% tổng dân số trong độ tuổi lao động ở quốc gia Nam Mỹ đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Chỉ tính riêng tại thủ đô Lima, hơn 2,3 triệu người đã mất việc làm.

Trong một diễn biến liên quan, tại nước Chile láng giềng, chính phủ cũng đã quyết định gia hạn "tình trạng thảm họa" thêm 90 ngày do số ca nhiễm tại nước này đang tiếp tục tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hiện nước này ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó 3.362 ca tử vong.

Tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh trong tháng Năm và đầu tháng Sáu, trung bình hơn 5.000 ca/ngày trong những tuần gần đây. Tình hình đã buộc chính quyền phải ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô Santiago với hơn 6 triệu dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục