Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ứng cử Tổng thư ký Liên hợp quốc

Các phương tiện truyền thông của Thụy Sĩ đưa tin Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter có thể trở thành ứng cử viên cho vị trí hàng đầu phụ trách các công việc của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ứng cử Tổng thư ký Liên hợp quốc ảnh 1Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter. (Ảnh: AFP)

Các phương tiện truyền thông của Thụy Sĩ đưa tin Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter có thể trở thành ứng cử viên cho vị trí hàng đầu phụ trách các công việc của Liên hợp quốc, trong bối cảnh Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon người Hàn Quốc sẽ kết thúc nhiệm kỳ lần thứ hai vào năm tới.

Ông Burkhalter, 54 tuổi, nguyên Tổng thống Thụy Sĩ và là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong năm 2014 được coi là một trong những chính trị gia nổi tiếng và đã đóng vai trò tích cực tham gia hòa giải trong cuộc khủng Ukraine.

Chính trị gia bang Neuchâtel, một thành viên của đảng Tự do Thụy Sĩ, cũng đã được bình chọn là "nhân vật của Thụy Sĩ năm 2014" nhờ khả năng nâng cao vai trò của Thụy Sĩ trên trường quốc tế.

Trả lời tạp chí Schweizer Illustrierte, ông Burkhalter cho biết: “Trong thế giới ngày nay, điều quan trọng cần được tham gia vào các công việc hòa bình và an ninh. Nếu có cơ hội nên làm một điều gì đó trong khả năng.”

Ông Burkhalter cho biết thêm rằng ông muốn viết một cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm của mình với các công việc của OSCE và cơ hội tổ chức này đã cung cấp cho Thụy Sĩ trong nhiệm kỳ làm chủ tịch nhằm có "trách nhiệm nhiều hơn đối với hòa bình thế giới."

Tổng thư ký Ban Ki-moon dự kiến sẽ không tiếp tục nhiệm vụ thứ ba, dẫn đến những đồn đoán về cuộc đua cho những người có thể kế nhiệm ông.

Theo quy ước, người kế nhiệm của ông đến từ Đông Âu. Tuy nhiên, một ứng cử viên từ các khu vực khác có thể được xem xét nếu các nước không thể đồng ý về một đại diện từ một quốc gia Đông Âu.

Cho đến nay, thỏa thuận lựa chọn ứng cử viên như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Năm 2016, nhiều khả năng nhất sẽ là một ứng cử viên đến từ Đông Âu mà các thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an (Nhóm P5), đặc biệt là Nga cho là chấp nhận được. Điều rõ ràng ở đây là bất cứ người tranh cử nào không phù hợp với tiêu chuẩn đó sẽ bước vào cuộc đua với một bất lợi đáng kể, dù không hẳn là không thể khắc phục được.

Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, hiện diện ở tất cả các quốc gia với hàng loạt tổ chức như UNDP, UNESCO, UNICEF.

Cuộc chạy đua đến vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc vốn thường diễn ra lặng lẽ và ít có sự phô trương như một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Điều này có thể được lý giải qua thực tế quá trình ra quyết định chỉ gói gọn giữa 15 thành viên của Hội đồng Bảo an, ứng cử viên được chọn lựa bởi Hội đồng trước khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Điều quan trọng là Nhóm P5 - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, và Mỹ - đều có quyền phủ quyết (veto), bởi vậy đa số cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu một trong số họ phản đối.

Quá trình chọn lựa còn bị cản trở bởi một sự đồng thuận không chính thức, nhưng thực tế lại là một điều kiện tất yếu trong suốt 43 năm qua: Xoay vòng khu vực sau mỗi hai nhiệm kỳ. (Ngoại lệ duy nhất là Tổng Thư ký vô cùng nổi tiếng và được coi trọng, Kofi Annan.

Ông được lựa chọn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, bất chấp việc đã kế nhiệm một người châu Phi khác trước đó).

Kể từ năm 1971, vị trí này được luân chuyển qua các Tổng Thư ký đến từ Tây Âu, Mỹ Latinh, châu Phi, và châu Á – Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon (đang trong nhiệm kỳ thứ hai) đến từ Hàn Quốc. Chỉ có duy nhất một khu vực chưa hề góp mặt đại diện nào là Đông Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục