Khả năng tự học, tự tích lũy kỹ năng của bản thân chính là một thứ năng lực gốc rễ để trang bị những kỹ năng, năng lực khác. Một dân tộc mà thiếu những con người tự học tập thì đó là một dân tộc thiếu năng lực để giải quyết vấn đề của mình. Nếu chúng ta có một xã hội học tập phát triển, năng động thì đó cũng được coi là nguồn lực của quốc gia. Do đó, phát triển xã hội học tập tốt cũng là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia.
Đây là điều được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” diễn ra hôm nay, 18/6, theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu, giải pháp cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Những kết quả ấn tượng
Thông tin về kết quả thực hiện đề án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay sau 8 năm triển khai, mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó nòng cốt là cơ sở giáo dục thường xuyên được phát triển và mở rộng. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ-tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.
Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho mọi đối tượng. Trong 8 năm qua, có 8,4 triệu học viên đã tham gia các lớp học của những trung tâm này; trong đó riêng học viên ngoại ngữ là 7,1 triệu người.
Mạng lưới cơ sở đào tạo thực hiện phương thức đào tạo từ xa, các cơ sở học tập thường xuyên của cơ quan, tổ chức, công ty... thuộc các thành phần kinh tế khác nhau để bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động cũng đã được hình thành và phát triển.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Cụ thể, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Có 21/63 tỉnh, thành phố (chiểm tỷ lệ 33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh/thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Có ba tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất - mức độ 3. Cả nước đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300 nghìn người trong độ tuổi 15-60.
Đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện đề án. Cụ thể, nhận thức và trách nhiệm về xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, đơn vị chưa đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc. Hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...
Để tháo gỡ các tồn tại trên, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.” Theo đó, các giải pháp được đề ra như chú trọng công tác tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời; gắn kết chặt chẽ hơn giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy; sự liên thông, hỗ trợ đào tạo của các trường đại học...
Với các giải pháp đó, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng. Điều này góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng xây dựng xã hội học tập không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà của cả xã hội, cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nòng cốt.
[Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập]
Khẳng định việc xây dựng xã hội học tập có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh trước khi xây dựng được một xã hội học tập suốt đời, cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời. Việc tập hợp những cá nhân hiếu học sẽ tạo thành nhiều tập thể những người hiếu học, một xã hội hiếu học, một xã hội biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng để thỏa mãn mọi nhu cầu học tập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ở tầm vĩ mô, công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban, ngành là thúc đẩy, khuyến khích và gia tăng các nhu cầu học tập bằng mọi cách. “Nếu thực hiện được những mục tiêu đó, chúng ta sẽ có một xã hội học tập,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.