Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng giá xe nhập khẩu về Việt Nam hiện nay; việc rà soát, xem xét các thủy điện nhỏ và vừa; quy trình xả lũ của thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) đã được gửi đến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Không có vấn đề lớn trong việc nhập khẩu ôtô của Việt Nam
Đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ dẫn chứng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay có 32.000 xe ôtô được nhập khẩu về Việt Nam, trong đó, trên 90% xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN. Dù thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN thực chất không giảm, thậm chí một số mẫu xe khách hàng phải chịu giá cao hơn trước đây.
Đặt vấn đề nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, Nhà nước sẽ thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế, chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi lớn, đại biểu đặt câu hỏi với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương lý giải như thế nào về tình trạng bất thường nói trên, ai là người phải chịu trách nhiệm.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; đây được coi là động lực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình tham gia hội nhập với thế giới, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán, ký kết, tham gia hoặc triển khai thực hiện đều có những nội dung quan trọng về cắt giảm hàng rào thuế quan, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân các nước tham gia hiệp định này được thụ hưởng.
Theo Bộ trưởng, đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) của Việt Nam ký với ASEAN quy định ngày 1/11/2018, hàng rào thuế quan đối với sản phẩm ôtô là bằng 0. Đồng thời, sắp tới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tiếp tục thực hiện, ký kết và triển khai thực hiện như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đều có những nội dung về tiếp tục cắt giảm hàng rào thuế quan. Đây là những cam kết của các nước thành viên trong cắt giảm cung hàng rào thuế quan để tiếp cận thị trường nội địa cho các doanh nghiệp và các nước khác.
"Trong việc cắt giảm thuế này, chúng ta cũng đã tính toán rất kỹ trong quá trình đàm phán để đảm bảo được lợi ích của quốc gia, đặc biệt trong việc đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như những lợi ích và nhu cầu của các doanh nghiệp, của các ngành sản xuất. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở cửa cho thị trường ôtô nội địa, cho việc các sản phẩm của AFTA của các nước ASEAN vào Việt Nam và sắp tới là các nước châu Âu..., chúng ta cũng có những điều kiện để tiếp tục tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chúng ta có lợi thế cũng như có điều kiện phát triển," Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, trong phát triển các ngành sản xuất nội địa đã có những chính sách đồng bộ; riêng trong sản xuất của ngành ôtô đã có các cơ chế ưu đãi... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ôtô nội địa và nhà đầu tư nước ngoài phát triển thương hiệu ôtô với mong muốn Việt Nam sẽ là một thị trường phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp ôtô trong nước cũng như đảm bảo nhập khẩu ôtô của nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề thuế quan, theo Bộ trưởng, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, Việt Nam có những điều kiện để tăng cường hơn nữa những nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất và những nguồn thu khác cho ngân sách nhà nước. Đây là điểm đạt được sự cân bằng cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN.
Bộ trưởng nhấn mạnh qua thống kê, từ đầu năm đến nay, việc nhập khẩu ôtô từ ASEAN vào Việt Nam chưa có mức độ tăng đột biến trên tổng thể chung của kim ngạch nhập khẩu ôtô hằng năm đối với thị trường nội địa. Về cơ bản, quy mô thị trường ôtô nội địa khoảng gần 500.000 ôtô và nhập khẩu hằng năm khoảng trên dưới gần 200.000 ôtô nhập khẩu, còn lại là sản phẩm trong nước. Vì vậy, không có những vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về thị trường nội địa và việc nhập khẩu ôtô của Việt Nam.
Tăng cường quản lý các thủy điện vừa và nhỏ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về việc rà soát, quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43 quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực nhằm hướng dẫn các địa phương trong việc rà soát lại các quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa ở địa phương.
Hiện trên toàn quốc đã có 474 dự án thủy điện vừa và nhỏ được đưa ra khỏi quy hoạch do không đáp ứng được các tiêu chí để phát triển các thủy điện nhỏ và vừa gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh; 231 địa điểm đã quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn toàn quốc đã bị xóa bỏ.
Khẳng định việc xả lũ của thủy điện Bản Vẽ là đúng quy trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích mùa mưa lũ năm 2018 là một mùa lũ lịch sử với có 4 cơn lũ xảy ra liên tiếp; trong đó có hai trận lũ có lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ tương đối cao, đạt tới 1.321 m3/giây, trung bình cứ 50 năm mới xảy ra một lần (bình thường tần suất chỉ có 594m3/giây).
[Thực hiện nhiều giải pháp sau hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn]
Trong ba trận lũ đầu, thủy điện Bản Vẽ đã thực hiện tốt hoạt động xả lũ theo quy trình 2025 nhưng khả năng cắt lũ không thể kéo dài thêm; đến trận lũ thứ 4 là gần đỉnh điểm, dẫn đến khả năng cắt lũ của thủy điện Bản Vẽ là không thể.
Việc xả lũ này làm cho 3 tỷ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ Bản Vẽ, đây là việc không thể tránh được. Quá trình này đã để xảy ra thiệt hại cho đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến các công trình dân sinh, các công trình thủy nông...
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức các hoạt động an sinh xã hội để đóng góp cho địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện xả lũ đã thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước trong việc quản lý các thủy điện nhỏ và vừa, Bộ trưởng khẳng định.
Xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với 12 dự án thua lỗ
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về "sức khỏe" của 12 dự án thua lỗ Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ Bộ đã, đang thực hiện xử lý 12 dự án này theo đúng Đề án của Chính phủ đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Đến nay, 12 dự án về cơ bản đã đảm bảo được tiến độ chung theo các mức độ khác nhau.
Trước hết, trong số 6 nhà máy và các dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đã có 2 dự án nhà máy đến nay hoạt động có lãi, là: Nhà máy Thép Việt-Trung, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng. Bốn dự án của các nhà máy còn lại đã từng bước khắc phục khó khăn, gồm Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Công ty DQS mặc dù vẫn còn lỗ nhưng mức độ không còn cao như trước, phần lỗ này vẫn phải tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Trong ba dự án bị dừng sản xuất kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, đã có Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) vận hành trở lại 3 dây chuyền, dự kiến cuối tháng 11 này sẽ được hoạt động cả 11 dây chuyền, với sự tham gia bao tiêu sản phẩm với đối tác mới...
Hai dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn tất về cơ bản việc chuẩn bị đầu tư. Dự án sinh học Bình Phước đang chuẩn bị để tham gia thị trường. Riêng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ vì vốn Nhà nước dưới 30% nên không tham gia được việc tái cơ cấu. Tuy nhiên, vì quá trình đầu tư sai về địa điểm, sai về các phương án nên dự án này sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, sẽ phải xem xét việc tổ chức cho phá sản.
Còn dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên khá phức tạp vì có tranh chấp pháp lý với nhà thầu nước ngoài. Hiện, Bộ đang chỉ đạo xử lý các vướng mắc để bảo đảm hoàn tất đầu tư phục vụ cho các bước tiếp theo.
Bộ trưởng khẳng định "sức khỏe" của 12 dự án này phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Mục tiêu xử lý 12 dự án này là giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo toàn vốn của Nhà nước. Vì vậy tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2019-2020.
Bên cạnh đó, việc quan trọng là xem xét, xử lý trước pháp luật trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 12 dự án này: 6 dự án đã tiến hành kiểm toán, 4 dự án đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét các dấu hiệu khác.
Hai dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã bị khởi tố vụ án; nhiều cá nhân tổ chức đã bị xử lý với những hình thức xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình xem xét, các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ./.