Trước xu thế gia tăng các hiện tượng thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản, ngày 10/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp bàn về việc triển khai xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.”
Mục tiêu tổng quát của đề án là điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu, quản lý với chính quyền, nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội.
Đề án cũng hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các "khu vực nhạy cảm" về thiên tai theo thời gian thực nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương.
Để triển khai thực hiện đề án, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất triển khai 4 dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá chi tiết các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo sớm theo thời gian thực về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; xây dựng Trung tâm quản lý thông tin-cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại các khu vực miền núi, trung du.
[Đảm bảo an toàn cho người và công trình xây dựng trong mùa mưa bão]
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra liên tục hơn về tần suất, khốc liệt hơn về cường độ và khó lường hơn. Hiện tượng sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, trung du còn gây ra những thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.
Chính vì thế, ông Thành đề nghị các đơn vị được giao xây dựng đề án cần tập trung để hoàn thành công việc, giúp đưa ra được phạm vi cảnh báo sát hơn, hiện tượng cảnh báo có độ tin cậy cao hơn, thời gian cảnh báo sớm hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các đợt thiên tai.
Theo đó, đề án cần được triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tiến hành lập báo cáo ngắn gọn về kết quả các đề án, dự án, nhiệm vụ đã thực hiện có liên quan trực tiếp đến đề án đang được triển khai tại các đơn vị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện; từ kết quả của giai đoạn 1 sẽ đề ra nhiệm vụ, công việc cần thực hiện tiếp theo cho giai đoạn 2.
Ngoài ra, ông Thành cũng yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản với trách nhiệm là cơ quan thường trực thực hiện đề án ghi chép đầy đủ để triển khai các công việc tiếp theo; sớm xây dựng đề cương, kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo xây dựng đề án./.