Bộ TN-MT thông tin việc phê duyệt ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ

Dự án Khu Đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) nằm ở vị trí cách vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía Bắc...
Bộ TN-MT thông tin việc phê duyệt ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá Tác động Môi trường. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý 2/2020 diễn ra sáng 20/7, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp về việc xem xét, đánh giá, phê duyệt Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) Dự án Khu Đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ, tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia môi trường.

Phải giữ được rừng ngập mặn

Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá Tác động Môi trường, cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét Dự án Khu Đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm phát triển bền vững và việc xem xét phải đặt trên các mục tiêu cụ thể.

Việc thẩm định, phê duyệt ĐTM của dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ Môi trường làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của dự án.

Theo đó, thực hiện dự án phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ, có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.

“Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM,” ông Hải khẳng định và cho biết qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

[Đề xuất định hướng quản lý, bảo tồn các Khu Dự trữ Sinh quyển Việt Nam]

Theo ông Hải, trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, xây dựng chương trình quản lý và ứng phó sự cố môi trường.

Ở góc độ cá nhân, cũng là người theo dõi sát sao dự án, ông Hải đánh giá chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế.

Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên; nguy cơ bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động kinh tế xã hội; các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng… 

Tiếp tục thực hiện đánh giá 

Liên quan đến 15 điều kiện kèm theo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện trong quyết định phê duyệt ĐTM của dự án, ông Hải cho rằng điều này phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án.

Bộ TN-MT thông tin việc phê duyệt ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ ảnh 2Những cánh rừng bạt ngạt xanh ngút tầm mắt dọc tuyến đường huyết mạch Rừng Sác-Cần Giờ. (Nguồn: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, theo ông Hải, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án Khu đô thị Du lịch biển Cần Giờ còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước có uy tín thực hiện.

“Với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án chỉ tác động không đáng kể đến Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ,” ông Hải nói.

Đánh giá tác động ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Hải cho biết dự án này nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy, việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco về bảo tồn đa dạng sinh học. 

Về vấn đề cát san lấp cho dự án, ông Hải cho biết ĐTM của dự án chưa có nội dung về vật liệu san lấp. Việc khai thác vật liệu san lấp của dự án phải tiếp tục thực hiện đánh giá tác động môi trường khi dự án có thông tin cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí khai thác và vận chuyển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa tài nguyên như các nguồn nạo vét, tro sỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa việc khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo quy định của pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục