Liên quan đến sự cố tàu Bạch Đằng bị nạn trên vùng biển Mũi Né, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chiều 15/3 cho biết ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Thuận nắm bắt thông tin, xác minh vụ việc.
Theo báo cáo nhanh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, tàu Bạch Đằng (tải trọng 2.500 tấn) chở 1500 tấn tro xỉ (tro bay) từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), khi qua vùng biển Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý, đã bất ngờ bị lật ngang và chìm.
Sau khi bị chìm, tất cả 7/7 thuyền viên đã được đưa vào bờ và không có thiệt hại về người. Toàn bộ tro bay được chứa vào thùng chứa chuyên dụng, đảm bảo độ kín gần như tuyệt đối.
Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trên tàu Bạch Đằng đang còn khoảng 2.000 lít dầu DO; tuy nhiên trước khi rời tàu, thủy thủ đoàn đã kịp khóa toàn bộ van an toàn trên tàu.
Sau khi xảy ra sự việc, phát hiện có vệt váng dầu trên biển có khả năng là nước la canh (nước nhiễm dầu) ở khu vực hầm máy phát sinh trong quá trình hoạt động của máy tàu, do tàu bị lật úp nên toàn bộ lượng nước này thoát ra bên ngoài. Tuy nhiên đến sáng 15/3/2021 thì không còn thấy hiện tượng dầu loang.
[Bình Thuận: Cứu nạn kịp thời cả 7 người trên tàu hàng bị chìm]
Để chủ động ứng phó sự cố tràn dầu theo các quy định hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận phương án tối ưu là chủ động bơm hút dầu ra khỏi tàu để đưa vào bờ vào thời điểm phù hợp nhất (do khu vực đó hiện có sóng to nên chưa thể tiếp cận được).
Theo Tổng cục Môi trường, sự cố chìm tàu Bạch Đằng xảy ra trong quá trình vận chuyển sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng, có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu từ phương tiện vận chuyển.
Do đó, Tổng cục Môi trường đã giao Cục Bảo vệ môi trường miền Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng giám sát, chủ động xử lý vấn đề môi trường phát sinh từ sự cố (nếu có) và kịp thời tham mưu các biện pháp chỉ đạo, xử lý.
Theo kết quả giám sát về môi trường của Tổ giám sát do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, đối với các nhà máy thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tro xỉ (tro bay và xỉ đáy lò) của các nhà máy này đã được các đơn vị có chức năng phân tích, đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đáp ứng yêu cầu làm vật liệu xây dựng (trong đó bao gồm cả việc chứng nhận đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12249:2018). Hiện tro xỉ đang được quản lý như đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng theo quy định tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 về quản lý vật liệu xây dựng.
Kết quả giám sát về môi trường cho thấy tro xỉ của các nhà máy đã được hợp chuẩn, hợp quy đáp ứng yêu cầu làm các vật liệu xây dựng như sau: Tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được chứng nhận sản phẩm Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nguyên liệu san lấp phù hợp với TCVN 12249:2018.
Tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh tân 4 mở rộng đã có giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn đối với tro bay dùng cho bê tông, vữa xây dựng; giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn đối với tro bay dùng cho xi măng; giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn đối với phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn; giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn đối với tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp.../.