Liên quan đến việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị thu hồi 2 giấy phép quan trọng (giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực) đối với thủy điện Thượng Nhật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu ý kiến hướng xử lý.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có Công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép hoạt động điện lực đã cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, là chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật (tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cần thiết phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, do công ty này không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc điều tiết, vận hành hồ chứa Thượng Nhật trong thời gian tỉnh chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt mưa, lũ lớn kéo dài, liên tiếp vừa qua.
Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi giấy phép như địa phương kiến nghị.
[Đề nghị thu hồi 2 giấy phép đối với chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật]
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, thì hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP như đã nêu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế trong công văn không thuộc trường hợp thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.
“Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt như kiến nghị,” công văn do Thứ trưởng Lê Công Thành ký nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng một trong những yêu cầu của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam chỉ được phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tích nước theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019), trong trường hợp xảy ra mưa lũ, thẩm quyền ra lệnh vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hương do Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định.
Còn theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thời hạn từ 1-3 tháng.
Vì vậy, để bảo đảm việc xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng hành vi vi phạm, đặc biệt là mức độ tác động đến sự an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa thủy điện Thượng Nhật.
Trên cơ sở đó, ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính như đã nêu, tùy theo mức độ vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa-Thiên Huế xem xét việc áp dụng hình phạt bổ sung (nếu có) là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt từ 1 tháng đến 3 tháng theo quy định tại khoản 10 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP./.