Bộ TN-MT đưa ra lời giải cho bài toán rác thải điện tử, rác thải nhựa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quản lý chất thải điện tử, chất thải nhựa là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về giải pháp xử lý lượng rác thải điện tử, rác thải nhựa ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc quản lý các loại chất thải này phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải điện tử và chất thải nhựa nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp chính là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất xây dựng các quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; tiếp tục hoàn thiện chính sách và tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm điện tử thải bỏ; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

[Giải quyết các thách thức về rác thải nhựa tại 3 tỉnh, thành]

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng; giảm thiểu và có lộ trình chấm dứt sử dụng túi nilon khó phân hủy.

Đặc biệt các đơn vị cần triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đôn đốc các địa phương hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường,..

Gần đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cũng bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; có lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế Bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi nilon khó phân hủy là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; túi nilon thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học được miễn thuế../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục