Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng vụ ZTE bị cấm xuất khẩu ở Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã hối thúc Mỹ tạo lập một môi trường chính sách và pháp lý ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp nước này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ngày 17/4, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã hối thúc Mỹ tạo lập một môi trường chính sách và pháp lý ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp nước này.

Lời kêu gọi trên được Trung Quốc đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố quyết định cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE - công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc - với cáo buộc công ty này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn MOC cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể giải quyết vấn đề trên một cách hợp lý, phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp. MOC cũng sẽ theo dõi chặt chẽ vụ việc và sẵn sàng có các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Theo người phát ngôn MOC, ZTE hiện có sự hợp tác thương mại và đầu tư sâu rộng với hàng trăm công ty Mỹ, tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ. Bản thân Trung Quốc cũng luôn yêu cầu các công ty trong nước tuân thủ luật pháp và các chính sách của các nước chủ nhà, cũng như quản lý hoạt động kinh doanh phù hợp với luật pháp và các quy định.

Việc Mỹ áp đặt lệnh cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE đồng nghĩa công ty này sẽ không thể tiếp tục nhập các linh kiện từ Mỹ để lắp đặt trong các sản phẩm của mình. Quyết định này đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn này tại Hong Kong (Trung Quốc) và Thẩm Quyến sụt giảm một nửa. Trong một tuyên bố đăng trên trang web công ty, ZTE cho biết đang đánh giá những tác động của quyết định trên.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi giới chức Mỹ phát hiện ZTE đã có hành vi gian dối trong việc thi hành án phạt mà Tòa án liên bang tại Texas đưa ra hồi tháng 3/2017 sau khi kết luận công ty này xuất khẩu bất hợp pháp các hàng hóa của Mỹ cho Iran, vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo đó, ZTE phải chịu mức phạt lên tới 1,2 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử các vụ xét xử vi phạm quy định xuất khẩu tại Mỹ.

Cùng với việc nộp phạt, ZTE cũng bị yêu cầu sa thải 4 nhân viên cấp cao có liên quan và phạt 35 nhân viên khác bằng các hình thức như cắt giảm thưởng hoặc khiển trách. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, ZTE đã thừa nhận mới chỉ sa thải 4 nhân viên cấp cao và chưa có biện pháp gì với 35 nhân viên còn lại. Điều đáng chú ý là công ty vẫn gửi các thông báo đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo yêu cầu tới giới chức Mỹ.

Giới chức Mỹ lần đầu tiên công khai cuộc điều tra nhắm vào ZTE vào tháng 3/2016. Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 tới tháng 3/2016, ZTE đã thực hiện hàng trăm chuyến vận chuyển hàng hóa của Mỹ tới Iran và Triều Tiên và dùng các biện pháp gian lận để che đậy hành vi của mình. Thời gian qua, Washington cũng liên tục chú ý và can thiệp các hoạt động xuất khẩu công nghệ "nhạy cảm" cho các đối tác Trung Quốc do lo ngại những hoạt động này có thể tiếp tay cho Bắc Kinh vươn lên nắm vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục