Bộ Thương mại Thái Lan thúc đẩy thông qua đề xuất tham gia CPTPP

Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại nhận xét nếu Thái Lan không tham gia CPTPP, nước này sẽ để mất cơ hội và sẽ bị các nước láng giềng là thành viên CPTPP gồm Singapore và Việt Nam bỏ qua.
Bộ Thương mại Thái Lan thúc đẩy thông qua đề xuất tham gia CPTPP ảnh 1Người dân Thái Lan mua sắm tại các siêu thị. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Bộ Thương mại Thái Lan đang thúc đẩy Nội các nước này thông qua đề xuất xin tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giữa lúc có sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm dân sự cho rằng động thái đó sẽ có tác động bất lợi đến an ninh lương thực và tiếp cận thuốc chữa bệnh.

Truyền thông sở tại ngày 27/4 dẫn lời Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Auramon Supthaweethum cho hay, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã trình một đề xuất về việc Thái Lan xin tham gia CPTPP lên Nội các. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vấn đề này có được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Nội các ngày 28/4 hay không.

Trước đó, Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế đã giao Bộ Thương mại chuẩn bị đề xuất sau khi hoàn tất nghiên cứu về những thuận lợi và bất lợi của tác động từ CPTPP.

Theo bà Auramon, nghiên cứu này đã tính đến tất cả những vấn đề liên quan, nhất là việc tiếp cận thuốc chữa bệnh và việc cấp phép bắt buộc theo thỏa thuận về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bà Auramon nhận xét nếu Thái Lan không tham gia CPTPP, nước này sẽ để mất cơ hội và sẽ bị các nước láng giềng là thành viên CPTPP gồm Singapore và Việt Nam bỏ qua.

[Chính phủ Thái Lan nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP]

Trong khi đó, người nông dân và các tổ chức xã hội dân sự Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về tác động của những điều khoản sở hữu trí tuệ của hiệp định, trong đó ngăn cản họ giữ lại và tái sử dụng hạt giống có chứa những nguyên liệu thực vật được bảo hộ.

Tuy nhiên, các quan chức khẳng định rằng nông dân vẫn sẽ có quyền thu lượm và tái sử dụng hạt giống, nhưng chỉ với những mục đích phi thương mại.

Những người chỉ trích cũng lo ngại về một số tác động của những điều khoản CPTPP đối với thuốc chữa bệnh có giá cả phải chăng, vì tiếp cận đối với thuốc chữa bệnh liên quan đến bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ và sáng chế.

Nghiên cứu của Bolliger & Company Thailand, đơn vị được Vụ Đàm phán thương mại thuê thực hiện, cho thấy việc tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy GDP của Thái Lan tăng thêm 0,12%, tương đương 13,3 tỷ baht doanh thu mỗi năm. Nếu không tham gia CPTPP, Thái Lan ước thiệt hại 26,6 tỷ baht doanh thu, khiến GPD giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi năm.

Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak nói đầu năm nay rằng nếu Nội các thông qua đề xuất của Bộ Thương mại, Thái Lan sẽ trình đề nghị chính thức xin gia nhập CPTPP, có thể vào một thời điểm trước hội nghị các thành viên CPTPP vào tháng 8 tới.

Theo ông Somkid, công chúng không nên lo ngại về CPTPP vì dược phẩm có bản quyền sáng chế không được đề cập trong hiệp định. Chính phủ Thái Lan cũng cam kết đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho nông dân nếu hiệp định bao gồm cả hạt giống.

Với 11 thành viên khu vực vành đai Thái Bình Dương, CPTPP có hiệu lực vào tháng 12/2018.

Cho tới nay, 7 thành viên là Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Mexico, Singapore và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này, trong khi 4 thành viên còn lại là Chile, Peru, Brunei và Malaysia chưa phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục