Bộ Tài nguyên sẽ kiểm tra chuyên đề các mỏ than trong 6 tháng cuối năm

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra chuyên đề về hoạt động khai thác, tuyển rửa xít than trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019.
Xít than được tập kết trước cửa Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Liên quan đến thông tin loạt bài “Ma trận vàng đen”…trong cơ khát năng lượng, mới đây, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra chuyên đề về hoạt động khai thác, tuyển xít than trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Ông Lại Hồng Thanh-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng khai thác, tuyển rửa xít than trái phép diễn biến phức tạp tại một số mỏ than ở các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Tổng cục này đã có văn bản báo cáo trình Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các mỏ than thuộc TKV và Tổng công ty Đông Bắc kiểm tra, báo cáo kết quả trước ngày 15/4/2019.

Đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nhận được báo cáo của các địa phương và một số mỏ than trực thuộc TKV, và Tổng công ty Đông Bắc.

“Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, căn cứ thông tin phản ánh của báo chí, và báo cáo của doanh nghiệp, chúng tôi đã trình, xin ý kiến lãnh đạo Bộ thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề về hoạt động khai thác, tuyển rửa xít than tại các mỏ than trên cả nước, đặc biệt là các mỏ than thuộc TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Việc thanh tra này sẽ được triển khai trong 6 tháng cuối năm,” ông Thanh nhấn mạnh.

[Mega Story ‘Ma trận vàng đen’ trong cơn khát năng lượng]

Trước đó, Báo Điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài “Ma trận vàng đen” trong cơn khát... năng lượng. Loạt bài đặt ra câu hỏi, vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán lại thiếu than và phải nhập khẩu than với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá trong nước?

Lý giải từ ngành than là “chưa kịp khai thác!” Để sản xuất ra một tấn than trung bình phải đào khoảng 13 mét khối đất đá vì vậy sẽ tốn nhiều thời gian. Và, để tránh việc thiếu nhiên liệu đẩy giá than lên cao, tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện thì phải… nhập khẩu than!

Tuy không phải mấu chốt nhưng lại là nguyên nhân lớn dẫn đến việc thiếu nhiên liệu chính là sự thất thoát tài nguyên thì chưa được ngành than đề cập tới. Căn cứ trên báo cáo công khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV riêng năm 2018 đã cho ra con số ít nhất khoảng 4 triệu tấn than chính phẩm đã bị các mỏ than “tuồn ra ngoài.” Đáng nói hơn, con số này, thực tế mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong bức tranh “ma trận vàng đen.”

Một góc “thiên đường than lậu” ở Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Sau gần một năm đi thực tế tìm hiểu cội rễ, nhập vai tại một số mỏ than của các “ông lớn” như TKV, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tại các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La… nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã tiếp cận được muôn vàn kiểu khai thác, tiêu thụ than lậu.

Từ sự móc nối của lực lượng bảo vệ mỏ, bộ phận điều độ… với người mót (lấy) than đến các cách vận chuyển, tuồn than ra khỏi mỏ đến những nơi trung chuyển; từ việc sử dụng than vô tội vạ khiến những dòng suối, cụm công nghiệp bỗng đầy than, xít thải đến sự bao che, làm ngơ của lãnh đạo địa phương cho các điểm tập kết than trái phép tồn tại “vô tư”; từ những kiểu vận chuyển thô sơ lượng nhỏ, quy mô hẹp đến các phương thức lan tỏa than số lượng lớn đi các thị trường khắp cả nước bằng đường bộ, đường biển... một sự thật đau xót đã được hé lộ: Để những tấn “vàng đen” lậu từ các mỏ than được “tuồn” trót lọt ra thị trường phải qua một chuỗi công đoạn vô cùng tinh vi và chặt chẽ với nhiều hình thức lách luật như “xuất ngoại giao,” đổ xít thải... Cùng sự góp sức của nhiều “mắt xích” tạo nên một dây chuyền khép kín để né tránh kiểm tra của các lực lượng chống buôn lậu.

Số lượng than bị thất thoát là không thể tưởng tượng nổi khi mà chỉ một vị trưởng thôn thôi, mỗi tháng cũng có thể đánh hàng loạt chiếc xe tải vào Mỏ than Khánh Hòa trực thuộc TKV, ở Thái Nguyên để “tuồn lậu” gần 1.000 tấn than! Rồi các hình thức tuồn lậu bằng “xuất ngoại giao” được áp dụng cho các cán bộ…

Than bị thất thoát đã rõ, số lượng của nó lớn “khủng khiếp”như thế nào cũng dễ dàng cộng ra và dòng chảy của nó đã từ lợi ích, tài sản quốc gia vào túi cá nhân, nhóm lợi ích.

[Các ‘ông lớn’ không cấp đủ than, EVN xin nhập khẩu thêm "vàng đen"]

Ngay sau khi đăng tải loạt bài, dư luận đã bày tỏ sự lo lắng, bức xúc và đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, cũng như vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành than, khi để “vàng đen” liên tiếp bị “đánh cắp,” khiến nguồn nhiên liệu phục vụ cho ngành điện ngày càng khan hiếm; đồng thời phải nhập khẩu than với giá cao từ nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất điện, nhất là khi Thủ tướng đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 trở thành sự thực thì “một số đồng chí sẽ mất chức!”

Vậy nhưng, kể từ khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng (bộ, tỉnh) vào cuộc chỉ đạo, nhưng hoạt động trên vẫn chưa được xử lý. Thậm chí, ngay cả khi chúng tôi gửi thông tin liên hệ, đề nghị được trao đổi cụ thể với người đứng đầu Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, nhằm làm rõ hơn về những vấn đề còn đang bất cập, nhưng đến nay đã gần 2 tháng, Báo Điện tử VietnamPlus vẫn không có được cuộc tiếp xúc, hay văn bản trả lời nào để đem câu trả lời đến cho công luận.

Trong khi đó, “vàng đen,” tài nguyên khoáng sản của quốc gia vẫn ngày đêm bị “ăn cắp,” tuồn lậu ra thị trường bằng cả đường bộ, sông và biển. Gần đây nhất, ngày 20/4, tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã bắt giữ tàu chở 900 tấn than không rõ nguồn gốc khi đang trên đường đưa đi tiêu thụ… Cứ thế, dòng chảy của than đã từ lợi ích, tài sản quốc gia vào túi cá nhân, nhóm lợi ích.

Thực trạng này khiến người dân đau xót, bức xúc, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng có lẽ chưa đủ và quan trọng nhất là chưa có sự phối hợp tích cực của đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng.

Điều đáng nói là, trong bối cảnh giá điện đang đẩy lên cao, nguy cơ thiếu điện trong mùa khô đang dần hiện hữu, nếu cơ quan chức năng và doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý hay không thay đổi cách quản lý, thì “cuộc chiến chống than lậu” sẽ chẳng bao giờ kết thúc; và gánh nặng sẽ đè lên vai xã hội, từng người dân../.

Hành trình khó hiểu của than khiến nguy cơ thiếu điện trong mùa khô sắp tới đang trở nên hiện hữu. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục