Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính xây dựng; trong đó các mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đều tăng lên, thậm chí tăng lên mức trần khung đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; nhiên liệu bay giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn trong khung thuế).
Theo Bộ Tài chính, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
[Bộ Tài chính: Tăng thuế môi trường với xăng, dầu để 'tăng trưởng xanh']
Nhiều chuyên gia kinh tế đã đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính. Các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng nóng kèm theo ô nhiễm về môi trường, cần thiết phải có giải pháp tài chính đủ mạnh để điều tiết hành vi của các tổ chức, cá nhân nếu gây tổn hại đến môi trường.
Cùng với đó, cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với bảo vệ môi trường và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng thuế môi trường là một công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng. Đây là một phương thức hiệu quả, nhằm kích thích đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đồng thời, biện pháp này còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Ước tính, thu nhập từ nhóm thuế/phí này trung bình chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dao động từ 3-13% GDP tùy thuộc vào từng quốc gia. Đây là cơ sở để các nước có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp cũng như cho các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ khác để bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, tính toán những tác động tới ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Trong số đó, thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), Việt Nam những năm vừa qua tăng trưởng kinh tế cao, kèm theo mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao.
“Vì vậy, thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, xử lý khắc phục những tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Trong điều kiện vẫn ở trong khung thuế quy định, giá cả chịu đựng được thì cần phải tính đến điều chỉnh thuế,” ông Nguyễn Văn Phụng nói.
Đồng tình với quan điểm trên bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Thuế cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện nay là phù hợp vì giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay so với giá bình quân các nước chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc… vẫn thấp hơn. So với các nước trên thế giới, giá xăng dầu Việt Nam vẫn thuộc loại thấp, xếp thứ 45/170. Điều này có nghĩa, giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu xăng dầu ngày càng giảm theo lộ trình cắt giảm thuế quan. Trước đây thuế xăng dầu rất cao, mức bình thường là 40%, hiện nay là 10-20% tùy từng thị trường. Không chỉ có thuế xăng dầu giảm, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng khác cũng giảm, như vậy, tổng thuế gián thu sẽ giảm mạnh. Về nguyên tắc, thuế phải đảm bảo cân đối hài hòa và đảm bảo cân đối thu chi của ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt.
Về việc dư luận lo ngại việc điều chỉnh kịch khung thuế suất đối với mặt hàng xăng gây áp lực lên mặt bằng giá, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, khi áp thuế cao thì đương nhiên giá cả có biến động, nhưng sự biến động này là cần thiết, vì phải tính toán tương quan về giá giữa các nước trong khu vực.
Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước trên thế giới, nếu để giá quá thấp, sẽ “chảy máu” xăng dầu sang các nước khác.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, giá xăng tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành sản phẩm, bởi xăng dầu chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố quyết định giá thành các sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Nếu doanh nghiệp sử dụng phương tiện hợp lý, sẽ không có đột biến lớn về giá.
Bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng xăng dầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng, khiến cho giá thành tăng lên. Nhưng theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu thì bản thân giá thành sản phẩm xăng dầu cũng đã được giảm tương ứng. Nhưng để giảm thêm giá thành, doanh nghiệp cần tăng cường cách tổ chức quản lý, cũng như các giải pháp khác như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí… để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính đã tính toán đến những tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Theo đó, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng từ 0,27%-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11% - 0,15% (theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, chỉ tiêu CPI bình quân ở mức 4%). /.