Bộ Tài chính: Nhiều doanh nghiệp nợ thuế cả nghìn tỷ đồng

Điển hình là Công ty Xuyên Việt Oil nợ thuế gần 1.530 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế lên tới 1.780 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Ngày 19/1, tại họp báo thường kỳ quý 4/2023 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát.

Còn việc quản lý dòng tiền do doanh nghiệp chủ động, nếu các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết trong số 34 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thì có gần 10 doanh nghiệp nợ thuế; phần lớn thuế bảo vệ môi trường.

Để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, ngành thuế tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh.

Theo Tổng cục Thuế, tình trạng đa số doanh nghiệp đưa tài sản đảm bảo vay vốn gây ra khó khăn trong thu hồi nợ thuế.

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị bêu tên do nợ thuế như Công ty Xuyên Việt Oil với số thuế nợ gần 1.530 tỷ đồng, chiếm gần 20% số thuế bị nợ tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, riêng số thuế bảo vệ môi trường lên tới gần 1.250 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng công khai Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế lớn nhất, lên tới 1.780 tỷ đồng và chủ yếu là nợ thuế bảo vệ môi trường.

Sau nhiều lần đòi nợ, Cục Thuế Thái Bình gửi đề xuất cấm xuất cảnh lãnh đạo công ty này.

Cũng tại buổi họp báo, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết năm 2024 có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm; trong đó, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông Doãn Thanh Tuấn, việc thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023, dự kiến sẽ kết thúc thanh tra trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đoàn thanh tra đã hoàn thành kết luận thanh tra. Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ..

Năm 2023, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm như Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life (Sun Life) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife (BIDV Metlife).

Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Một số hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài chính chỉ ra là không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục