Bộ Tài chính Mỹ ngày 1/10 đã lưu ý Quốc hội nước này về việc cần nâng trần nợ trước ngày 5/11 tới, để tránh làm ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm cao của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama ký dự luật chi tiêu tạm thời của chính phủ cho đến ngày 11/12 tới và vài giờ trước khi bước vào tài khóa 2016, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã gửi thư tới Quốc hội, hối thúc các nghị sỹ bảo vệ lòng tin vào tín nhiệm của đất nước.
Trong thư, ông nêu rõ Bộ Tài chính đang thực hiện các biện pháp đặc biệt như dừng chi trả cho các quỹ hưu trí liên bang để có thể tiếp tục đi vay mà không chạm đến mức trần nợ 18.100 tỷ USD, nhưng có thể không duy trì được điều đó vào ngày 5/11 tới hoặc xung quanh thời điểm này.
Ông cho biết vào lúc đó, Bộ Tài chính chỉ có thể chi cấp tiền cho chính phủ từ số tiền mặt đang có mà theo ước tính hiện nay là dưới 30 tỷ USD.
Ông Lew cảnh báo các nghị sỹ rằng sự bế tắc trong vấn đề trần nợ có thể một lần nữa gây ảnh hưởng đến mức tín nhiệm của Mỹ và rằng bảo vệ toàn vẹn lòng tin và tín nhiệm của nước Mỹ là trách nhiệm của Quốc hội Mỹ khi khó có thể dự đoán được những thiệt hại to lớn mà chuyện vỡ nợ có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính toàn cầu.
Thêm vào đó, ông cho rằng việc bế tắc chỉ được khơi thông vào phút chót như trong những lần trước và gắn với sự căng thẳng giữa các đảng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng chi phí của người dân khi đi vay trong ngắn hạn và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Để loại bỏ những mối đe dọa không cần thiết và có thể tránh này, ông hối thúc Quốc hội Mỹ sớm hành động và nâng trần nợ trước khi Bộ Tài chính không còn khả năng xoay sở.
Nâng trần nợ là vấn đề gây tranh cãi trong chính giới Mỹ những năm gần đây. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã nhiều lần bất đồng về vấn đề nợ trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014 - điều đã khuấy động các thị trường tài chính và dẫn đến chuyện chưa có tiền lệ là Mỹ bị Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ mức AAA, đồng thời buộc chính phủ phải đóng cửa một phần trong 16 ngày vào năm 2013.
Việc nâng trần nợ là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ của chính phủ như trả lãi suất và chi trả an sinh xã hội - việc mà chính quyền Mỹ chưa từng để xảy ra. Lần gần đây nhất chính quyền nước này nâng trần nợ là vào tháng 2/2014./.