Ngày 4/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ thực hiện khoản vay kỷ lục, trị giá 2.999 tỷ USD, trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu tới, để cấp vốn cho các chương trình cứu trợ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành tại quốc gia này.
Một quan chức cho biết tổng giá trị khoản vay trong quý 2/2020 cao gấp 5 lần khoản vay có giá trị lớn nhất mà bộ này từng thực hiện trong một quý và cũng vượt xa tổng nợ chính phủ được phát hành trong hầu hết các năm. Năm tài khóa 2019, tổng nợ chính phủ cũng chỉ ở mức 1.280 tỷ USD.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ mức tăng kỷ lục này chủ yếu do tác động của dịch bệnh làm gia tăng chi tiêu chính phủ, trong đó bao gồm các khoản chi tiêu dành cho hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh và các biện pháp hoãn thu thuế.
[Mỹ đánh giá cao hiệu quả của chương trình hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp]
Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói cứu trợ trị giá gần 3.000 tỷ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp chịu tổn thất khi đại dịch khiến hầu hết các lĩnh vực kinh tế phải ngừng hoạt động.
Gói cứu trợ này bao gồm tiền chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp ngày càng lớn và các khoản cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và các ngành trọng điểm để giúp các nhóm này vượt qua khủng hoảng và duy trì chi trả lương nhân công.
Hiện Bộ Tài chính Mỹ ước tính sẽ phải vay thêm 677 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín tới.
Tuy nhiên, bộ này cũng tin tưởng sẽ không khó khăn để tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng mua các khoản nợ do Chính phủ Mỹ phát hành do đây luôn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho là kênh đầu tư chắc chắn.
Nền kinh tế Mỹ đang hứng chịu những tác động mạnh do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết số lượng đơn đặt hàng nhà máy tại nước này đã giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 3 vừa qua.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các đơn đặt hàng mới cho các mặt hàng sản xuất đã giảm 10,3%, xuống chỉ còn khoảng 445,8 tỷ USD sau khi đã được hiệu chỉnh theo mùa trong tháng 3, mức giảm lớn nhất trong tháng kể từ năm 1992.
Các đơn đặt hàng cho máy bay, xe hơi và trang thiết bị máy móc cho các giếng dầu đều giảm mạnh, phản ánh thực trạng nhiều nhà máy đang phải đóng cửa, nhiều hãng hàng không cắt giảm tối đa hoạt động cũng như giá cả năng lượng lao dốc và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng.
Nếu loại trừ khu vực vận tải đang bị biến động mạnh thì tổng các đơn hàng sản xuất chỉ giảm khoảng 3,7%.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn do dịch bệnh, ngày 4/5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sẽ chi 470 triệu USD để mua các sản phẩm đang dôi dư.
Khoản tiền trên sẽ được sử dụng để mua chủ yếu là trái cây, các loại rau củ, thịt sữa và hải sản, những mặt hàng mà thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể khi các nhà hàng và các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm ngừng hoạt động.
Những thực phẩm trên sẽ được cung cấp cho những người đang cần, thông qua việc phát các bữa ăn tại các trường học, ngân hàng thực phẩm và các chương trình khác.
Trước đó, theo một chương trình do USDA công bố vào giữa tháng 4, cơ quan này sẽ chi khoảng 300 triệu USD/ tháng để mua nông sản, thịt và sữa, mang đi đóng hộp và gửi tới các ngân hàng thực phẩm.
Tập đoàn công nghiệp General Electric Co của Mỹ ngày 4/5 thông báo sẽ cắt giảm khoảng 13.000 lao động thuộc bộ phận sản xuất động cơ máy bay trong nỗ lực nhằm cắt giảm khoảng 1 tỷ USD chi phí khi đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không tê liệt.
Cụ thể, GE có kế hoạch cắt giảm khoảng 25% trong tổng số khoảng 52.000 lao động đang làm việc trong bộ phận hàng không toàn cầu trong những tháng tới.
Hiện GE đang sản xuất động cơ máy bay cho các hãng hàng không Boeing và Airbus trong khi các khách hàng tiềm năng nhất này cũng đều đã phải cắt giảm các hoạt động do tác động của dịch bệnh.
Trước đó, hồi tháng Ba, GE cũng đã thông báo về việc sa thải 10% lao động thuộc bộ phận hàng không tại Mỹ và hàng nghìn nhân viên bảo trì khác.
Bộ phận sản xuất kinh doanh hàng không là đơn vị lớn nhất và đem lại lợi nhuận cao nhất cho GE trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, tuần trước, GE thông báo lợi nhuận của bộ phận này giảm tới 40% trong quý 1/2020 và dự báo tình trạng quý 2/2020 có thể còn khó khăn hơn./.