Bộ Tài chính muốn miễn thuế tiêu thụ linh kiện ôtô sản xuất trong nước

Lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nói về đề xuất sửa giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô.

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước.

Tạo điều kiện cạnh tranh

Đây là một trong hai phương án đề xuất vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong buổi họp báo tổ chức chiều 15/8 tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện quy định: Giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan này cũng dẫn đánh giá của Bộ Công Thương cho rằng, quy định nêu trên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

[Trong 7 tháng, gần 58.000 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu thị trường nội]

Trước đó, phía Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam trong đó nêu lên thực tế, tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ông Thi đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước như linh kiện, phụ tùng.

Trên cơ sở này, lãnh đạo Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án. Với phương án 1, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước. Phương án 2, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng bày tỏ, cơ quan này nghiêng về phương án 1, nghĩa là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước.

Tính sao với xe bán tải?

Cũng về thuế tiêu thụ đặc biệt, một nội dung khác được quan tâm là mức thuế với dòng xe vừa chở người vừa chở hàng (xe pick-up hay xe bán tải). Theo quy định hiện tại, mức thuế với dòng xe này đang dao động trong khoảng 15-25% tùy dung tích xilanh.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính tính toán, trong những năm qua, số lượng xe ôtô vừa chở người vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Nếu như năm 2012, lượng xe tiêu thụ chỉ là gần 3.300 chiếc thì tới năm 2016, lượng xe tiêu thụ đã lên tới hơn 28.000 xe. Đáng chú ý, trong số xe đã tiêu thụ, xe nhập khẩu chiếm phần lớn, còn lại, xe lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Ngoài ra, do loại xe này có mức thuế thấp hơn so với ôtô chở người có cùng số chỗ (xe SUV có thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng có dung tích xilanh 2.500 cm3-3.000 cm3 lên tới 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang dùng xe pick-up.

Lãnh đạo Bộ Công Thương trước đó đã có văn bản đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe vừa chở người vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn và có 5 chỗ ngồi trở xuống như ôtô con dưới 9 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, các nước trong khu vực thường áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô vừa chở người vừa chở hàng ở mưc thấp hơn so với ôtô chở người dưới 9 chỗ.

Dẫu vậy, để đảm bảo đúng mục đích sử dụng xe, đại diện Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xe vừa chở người vừa chở hàng bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xilanh.

Theo đại diện Bộ Tài chính, loại xe này chủ yếu có dung tích xilanh khoảng 2.000-3.000 cm3 nên nếu thuế suất của xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 55% thì mức thuế với xe bán tải là 33%./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục