Khẳng định việc yêu cầu chia cổ tức tại BIDV và Vietinbank mới đây không phải vì ngân sách khó khăn, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, nếu các ngân hàng muốn giữ lại cổ tức nếu để tăng vốn điều lệ thì phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến ngày 8/6 về trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Nhắc lại văn bản Bộ Tài chính gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây đề nghị chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp về ngân sách, ông Tiến khẳng định, đây là việc làm theo đúng luật.
Ông cho rằng, cơ quan chức năng không can thiệp mệnh lệnh hành chính vào doanh nghiệp mà chỉ can thiệp qua người đại diện phần vốn Nhà nước, qua lá phiếu cổ đông.
Theo ông, nếu chiến lược phát triển của doanh nghiệp có dự tính tăng vốn điều lệ thì các ngân hàng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và có ý kiến của Bộ Tài chính. Sau đó, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông để quyết định việc tăng vốn hay không.
Đây là vấn đề theo ông cần "kiểm tra lại" nhưng ông nhấn mạnh lại, theo luật, cổ tức là phải chia đúng thời hạn và nộp ngân sách Nhà nước.
Ông cũng cho hay, phía ngành tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu người đại diện phần vốn tại các ngân hàng trên có giải trình.
"Trong trường hợp giải trình không đúng, không có chủ trương về tăng vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải thực hiện theo đúng quy định," ông Tiến nói.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, khoản vốn Nhà nước tại ngân hàng là vốn của người dân và không phải vì ngân sách khó khăn mới yêu cầu các đơn vị chia cổ tức.
"Ngân sách khó khăn thì càng phải trân trọng những đồng tiền này, còn không khó khăn thì cũng phải thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội," đại diện Bộ Tài chính lên tiếng.
Ông cũng chia sẻ thêm, ngân hàng của Việt Nam thực tế vẫn còn khiêm tốn so với khu vực nên nhu cầu tăng vốn là có nhưng việc này có thể thực hiện bằng nhiều cách. Việc giữ lại cổ tức theo ông không phải là giải pháp căn cơ.
"Nếu Ngân hàng Nhà nước thấy ngân hàng cần tăng vốn thì phải có giải pháp mạnh hơn là thoái bớt vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu. Đó mới là giải pháp lớn, hiệu quả chứ không phải giữ nguyên quy mô mà bổ sung nhỏ giọt bằng cổ tức," lãnh đạo ngành tài chính nhận xét.