Quan điểm của Bộ Tài chính là có thể chấp nhận cho thí điểm hoạt động xe ôtô du lịch tự lái giữa 2 thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Theo công văn vừa được Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ, việc thí điểm có thể được chấp nhận với điều kiện không cho phép kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa qua lại biên giới cũng như cần quy định cụ thể thời gian lưu trú mỗi nước.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, việc hoạt động trên cũng cần có dấu hiệu phân biệt rõ ràng xe ôtô du lịch tự lái với các phương tiện vận tải khác và có quy định cụ thể đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra.
Một điều kiện khác theo Bộ Tài chính là “quy định cụ thể đầu mối cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát ôtô du lịch tự lái trong quá trình thí điểm."
Cũng theo Bộ Tài chính, riêng việc kiến nghị cấp giấy phép vận tải loại B (theo quy định tại thông tư số 23/2012/TT-BGTVT) cho xe ôtô tự lái là không phù hợp vì gây nhầm lẫn với đối tượng quản lý khác (xe công vụ và ôtô chở khách không định kỳ quy định tại Hiệp định vận tải song phương ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc).
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh tổ chức thí điểm hoạt động xe ôtô du lịch tự lái qua lại song phương giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo đó, đặc thù của khách du lịch bằng xe tự lái qua cửa khẩu Móng Cái chủ yếu là khách có yêu cầu đi lại trong ngày, cần có thời gian giải quyết thủ tục ngay. Vì vậy, theo đề nghị, nếu ủy quyền cho địa phương xem xét, chấp thuận sẽ thuận lợi hơn cho công tác tổ chức đón và phục vụ khách./.