Kịch bản giá dầu thô xuống dưới 30 USD/thùng đang được ngành tài chính tính toán lại và có thể sẽ phải xuống 25 USD/thùng. Ngoài ra, cơ cấu thu ngân sách cũng đang phải điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, dự kiến lên khoảng 80% tổng thu vào những năm 2020.
Đây là những tâm sự được Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải giãi bày trong những ngày đầu xuân Bính Thân với phóng viên VietnamPlus.
- Nhìn lại năm 2015, Thứ trưởng cảm thấy hài lòng với kết quả nào và đâu là điểm chưa được như kỳ vọng của ngành tài chính?
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Năm 2015 là một năm thuận lợi và thách thức đan xen. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Qua một năm nhìn lại, ta có thể đánh giá khái quát rằng, nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2015 đã hoàn thành toàn diện trên mọi lĩnh vực trong đó nổi bật có một số điểm.
Thứ nhất là nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015 mặc dù có khó khăn do giá dầu thế giới giảm sâu nhưng phờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thu, tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn vượt dự toán. Cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Thu ngân sách Trung ương đạt dự toán và không phải dùng tới khoản 10.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đây là kết quả đáng mừng.
Một vấn đề nổi bật khác là công tác quản lý chi ngân sách tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, bám sát nghị quyết của Quốc hội và đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách và bội chi.
Cải cách thể chế, thủ tục hành chính trong năm qua cũng được triển khai và đạt được kết quả đáng mừng. Nhiều quy trình thủ tục thuế đã được đơn giản hóa và từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ và giúp nâng cao khả năng cạnh tranh,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên thì vẫn còn một số vấn đề phải tiếp tục triển khai khắc phục thời gian tới. Đó là là tình trạng thất thu ngân sách vẫn có, ở chỗ này chỗ khác và mặc dù nợ thuế đã giảm xuống nhưng tình trạng này vẫn còn triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc phân bổ sử dụng, bố trí ngân sách vẫn còn dàn trải, lãng phí. Đây là nhược điểm đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan nhận rõ và sẽ cố gắng triển khai tốt hơn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và Luật ngân sách Nhà nước 2015.
Vấn đề nữa là cải cách, đẩy mạnh cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập mặc dù đã có nhiều tiến triển nhưng nhìn chung tiến độ vẫn chậm. Điều này đòi hỏi thời gian tới cần giải pháp quyết liệt hơn nữa.
- Bộ Tài chính đã chuẩn bị kịch bản nào cho ngân sách năm 2016 trong điều kiện giá dầu lao dốc liên tiếp thời gian qua, đặc biệt, theo báo cáo, số thu tháng 1/2016 từ dầu thô đã giảm tới gần 66% so với cùng kỳ năm trước?
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Năm 2015, giá dầu thế giới giảm sâu và ảnh hưởng nhiều tới nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt, chúng ta đã vượt qua khó khăn. Từ thực tiễn đó, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án để điều hành thu ngân sách trong điều kiện giá dầu giảm.
Bộ Tài chính trước đó đã dự kiến kịch bản giá dầu xuống tới mức 30 USD/thùng tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện tình hình xấu hơn nên cơ quan chức năng đang dự kiến có thể giá dầu ở kịch bản 25 USD/thùng.
- Thưa ông, tỷ trọng thu ngân sách từ dầu thô đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu ngân sách hiện tại và việc giá dầu liên tục xuống thấp sẽ ảnh hưởng cụ thể ra sao tới thu ngân sách năm 2016, thưa ông?
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Thu từ dầu thô những năm cao thì chiếm khoảng 15-18% so với tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, thì tỷ trọng này chiếm khoảng dưới 10% tổng thu ngân sách và dự kiến những năm tới có thể là 5-6% tổng thu.
Thực tế, giá dầu giảm cũng là yếu tố tích cực để giảm chi phí đầu vào của cả nền kinh tế. Nhiều ngành phải sử dụng các sản phẩm xăng, dầu có thể giảm chi phí đầu vào và giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tốt hơn. Các doanh nghiệp từ đó sẽ có lợi hơn và Nhà nước cũng cũng sẽ được lợi thêm một phần từ trách nhiệm nộp thuế của các đơn vị đó.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cùng với cơ chế hội nhập, ta phải điều chỉnh chính sách thu làm sao để tỷ trọng thu nội địa chiếm đại bộ phận thu ngân sách. Những năm trước đây, tỷ lệ thu nội địa chiếm khoảng 60-65% tổng thu, tới năm vừa rồi đã lên khoảng trên 70%. Dự kiến, tới năm 2020, thu nội địa sẽ chiếm trên 80% tổng thu. Phần thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu qua đó sẽ xuống dưới 20% thu ngân sách.
- Đề bù các khoản hụt thu, chi ngân sách triệt để tiết kiệm là thông điệp được ngành tài chính nhấn mạnh nhiều lần trong năm 2015. Giải pháp này theo tính toán đã tiết kiệm được cho ngân sách bao nhiêu tiền trong năm qua và Bộ Tài chính có thêm giải pháp gì trong năm 2016, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Nhìn lại năm 2015, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, toàn bộ hệ thống chính trị đã thực hiện quyết liệt tiết kiệm chi những khoản hội nghị, hội thảo, mua sắm,... Các giải pháp này đã tiết kiệm, tạo nguồn lực để bù đắp được thiếu hụt ngân sách. Cụ thể, Trung ương đã tiết kiệm được hơn 4.100 tỷ đồng và địa phương tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực trong năm qua.
Năm 2016, các giải pháp triệt để tiết kiệm đã được Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ chỉ đạo.
Cụ thể, các giải pháp tính tới là cắt giảm ngay 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách năm 2016. Điều này cũng có nghĩa bố trí dự toán các bộ, cơ quan chỉ bằng 90% so với dự toán trước đó. Ngoài ra, nhiều khoản chi về công tác, đi nước ngoài, hội họp, tiếp khách sẽ cắt khoảng 30%-50% so với dự kiến năm 2016./.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Báo cáo của Bộ Tài chính trong tháng 1/2016 cho thấy, số thu ngân sách ước đạt 102.600 tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán và tương đương 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, riêng với số thu từ dầu thô, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, con số này mới đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán và giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước.