Bộ Tài chính: CPI bình quân cả năm vẫn trong tầm kiểm soát

Bộ Tài chính ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước để đảm bảo kiểm soát theo mục tiêu đề ra.
Mua bán xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2021, việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn nằm trong khả năng của Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Bộ Tài chính ước tính CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước để đảm bảo kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo nhiều mặt hàng sẽ có biến động. Do đó, để hạn chế thấp nhất đà tăng giá xăng dầu, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tiếp tục ở mức cao.

Ngoài mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết từ đầu năm đến khoảng hết tháng 5/2021, giá bán thép tăng khoảng 12-16% tùy chủng loại và nhà sản xuất. Tuy nhiên, từ đầu tháng Sáu đến nay, thép đã hạ nhiệt do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép chững lại.

Dự báo giá xăng dầu trên thế giới cuối năm 2021 có thể tăng theo đà phục hồi của kinh tế thế giới khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với giá thép, có thể tăng trở lại vào mùa xây dựng cuối năm.

Mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép xuống còn từ 10-15% (thay mức 15-25% như hiện hành).

[Kinh tế vĩ mô 7 tháng cơ bản ổn định, nhiều lĩnh vực khá tích cực]

Với tư cách là Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Việc quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Từ đó, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho phòng chống dịch bệnh vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mua hàng tại siêu thị Co.op mart Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nếu các bộ, ngành cùng vào cuộc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra, sẽ ngăn chặn được tình trạng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” để trục lợi.

“Đặc biệt, người dân cần bình tĩnh, các địa phương đều cam kết cung cấp lượng hàng rất lớn nên không cần tích trữ các nhu yếu phẩm, gây khan hiếm cục bộ, góp phần đẩy giá cả lên cao," ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội cần khuyến cáo người dân đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, doanh nghiệp, cửa hàng bán hàng thiết yếu được phép hoạt động mua hàng theo đúng giá niêm yết.

Sở Công Thương các tỉnh đều cam kết đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch và bình ổn giá cả, nên người dân cần hợp tác với cơ quan chức năng, vừa giữ an toàn, vừa không khiến giá cả leo thang.

Các tỉnh chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục